Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại phiên họp thứ 43, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5), dự thảo Luật xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách (ĐBQH) đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng. Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.
Phương án 2: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.
Tổng hợp ý kiến các ĐBQH chuyên trách, đa số ý kiến nhất trí phương án 2.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng về quy mô đầu tư những dự án không thấp hơn 200 tỷ như các công trình hạ tầng là giao thông, xây dựng ở vùng sâu, vùng xa… ưu tiên những công trình có nguồn lực.
Về thẩm quyền quyết định, Điều 13 của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thi Phóng cho rằng: Nên để HĐND các tỉnh quyết định, trách nhiệm này là của địa phương như vậy “mang tính cởi mở hơn” để địa phương đầu tư thì công tác giám sát cũng tốt.
“Nếu có sự điều chỉnh thì cấp nào quyết định đầu tư thì cấp đó điều chỉnh. Nếu có mức tăng từ bao nhiêu % (ví dụ tăng 20%) thì nên đưa Quốc hội thảo luận”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến.
Về căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 51, Điều 52 và Điều 83 xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 52. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2 Điều 83 dự thảo Luật: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật quá chặt chẽ, không tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư. Về việc áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn: Với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước.
Đan xen vấn đề sở hữu, chia sẻ rủi ro khi đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên ghi nguyên tắc trong Luật, sau đó Chính phủ có Thông tư hướng dẫn để phân định cấp có thẩm quyền thực hiện.
Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công.
Tiếp thu các ý kiến góp ý của Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau: Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP.
Nội dung kiểm toán này được quy định căn cứ khuyến nghị tại chuẩn mực kiểm toán số ISSAI 5220 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế mà Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật đã lược bỏ quy định về thời điểm yêu cầu đối với nội dung kiểm toán này.
Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 73 của Luật này, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 71 của Luật này, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này.
Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.
Khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan nhằm minh bạch hơn nữa trong quản lý, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra đối với việc triển khai thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng hợp đồng BT về bản chất không phải là hợp đồng PPP, đề nghị không quy định trong dự thảo Luật.