Tiếp tục cổ phần hóa nông, lâm trường

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 

Thời gian qua, việc sắp xếp chuyển đổi các nông trường thành các công ty nông nghiệp, các lâm trường quản lý chủ yếu là rừng trồng sản xuất, đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất và rừng tự nhiên thành các công ty lâm nghiệp. Các lâm trường quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thành Ban quản lý rừng; giải thể những nông, lâm trường kinh doanh thua lỗ kéo dài hoặc không cần giữ lại. Theo đó, từ 185 nông trường, công ty nông nghiệp trên cả nước đã sắp xếp, đổi mới còn 145 công ty nông nghiệp. Đối với lâm nghiệp đã thực hiện sắp xếp từ 256 lâm trường quốc doanh xuống còn 148 công ty lâm nghiệp và 87 ban quản lý rừng phòng hộ. Một số công ty lâm nghiệp đã giao khoán rừng và đất lâm nghiệp có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, bước đầu hình thành một số vùng nguyên liệu công nghiệp tập trung.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường là nhiệm vụ khó khăn và nhạy cảm, vì vậy, cần nghiêm túc đánh giá diễn biến thực hiện từ quá trình nhận thức, tư duy đến hành động để đảm bảo phát triển công ty nông, lâm nghiệp bền vững trong thời gian tới. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương cần đánh giá vai trò nông, lâm trường trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó chú trọng việc đánh giá sắp xếp quản lý đất đai, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững nông, lâm trường.


Các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị quyết 28, cũng như những kết quả bước đầu mà Nghị quyết mang lại. Tuy nhiên, nhiều đại biểu thừa nhận tồn tại lớn nhất trong quá trình triển khai Nghị quyết 28 vẫn là những vấn đề liên quan đến đất đai, ngoài ra là các vấn đề về vốn, cơ chế, chính sách… Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị: Riêng đối với Bình Phước nên sáp nhập các ban quản lý rừng không hiệu quả vào các công ty cao su của địa phương hoặc Trung ương nhằm đảm bảo vừa sản xuất kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ công ích, giữ rừng, giữ đất rừng cho Nhà nước, phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần phân bổ thêm vốn quản lý bảo vệ rừng cho địa phương để giảm áp lực đối với địa phương trong việc thực hiện quản lý bảo vệ rừng.


Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Là địa phương nghèo, Quảng Bình cần Trung ương hỗ trợ một phần ngân sách để giảm sức ép bảo vệ rừng. Ông cũng chia sẻ, thực hiện Nghị quyết 28, tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung, đổi mới bộ máy tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý điều hành và đặc biệt gắn vào sản xuất kinh doanh, gắn với đất đai, bảo vệ rừng, khai thác rừng có hiệu quả. Đến nay, tỉnh cơ bản đã rà soát đất tại các nông, lâm trường, tiến hành giao quyền sử dụng đất.


Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và phê duyệt đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp” và tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời đề xuất với Chính phủ giải pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, rà soát toàn bộ hệ thống văn bản liên quan đến sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với yêu cầu tiếp tục đổi mới. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cổ phần hóa công ty nông, lâm nghiệp; cơ chế tài chính và kinh phí đảm bảo hoạt động cho các ban quản lý rừng; kinh phí rà soát, đo đạc đất đai.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng tỉnh đã tiến hành rà soát lại quy hoạch theo tiêu chí 3 loại rừng, đất nào có điều kiện sản xuất, nằm xen kẽ sẽ giao lại cho dân và thực hiện cho thuê đất. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần tăng thêm định mức hỗ trợ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ vì thực tế mức hỗ trợ rất thấp, khó gắn bó với rừng.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nông, lâm trường phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.


Thực hiện chủ trương trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa nhấn mạnh, việc đổi mới nông, lâm trường cần tiếp tục gắn với đổi mới quản lý, sử dụng đất đai, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng, vườn cây lâu năm, tập trung giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, tổ chức lại các nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh theo mô hình phù hợp, Nhà nước có chính sách đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ công ích được giao cho các nông, lâm trường… nhằm tạo được sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng, vườn cây và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của các nông, lâm trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa phương và sự phát triển chung của đất nước.


Ý kiến các địa phương có nông, lâm trường đều đồng tình quan điểm: Phát triển công ty nông, lâm nghiệp phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương; gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hóa cây trồng phù hợp với vùng lập địa và thực hiện mô hình nông lâm kết hợp…


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nêu rõ: Việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường sẽ gắn với việc chuyển sang cổ phần hóa chứ không chỉ thí điểm cổ phần hóa như giai đoạn trước. Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận: Nhìn một cách tổng quan thì nên cổ phần hóa, để có những đầu tư thỏa đáng giúp doanh nghiệp phát triển. Đối với công ty nông nghiệp nên cổ phần hóa 100%, Nhà nước thoái vốn để doanh nghiệp chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh. Còn đối với công ty lâm nghiệp, có diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, cần có phương án cổ phần hóa và Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Đồng quan điểm này, tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, tùy theo từng mô hình cũng nên cổ phần hóa phần giá trị của Nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Thu Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN