Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới.
Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân, được nhân dân giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức Kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý, rút kinh nghiệm. Cụ thể, việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế; chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động của Bộ trưởng, Trưởng ngành; phần nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất trong một số báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước chưa sát tình hình thực tiễn. Ngoài ra, một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn; có đại biểu nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác; có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao đối với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 6. Các đại biểu đánh giá, đây là kỳ họp rất thành công, để lại dấu ấn quan trọng, có tính lịch sử, thể hiện sự đoàn kết, hành động của Quốc hội. Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo; việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai thận trọng, trách nhiệm, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan; phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.
Nhấn mạnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất thành công, tuy nhiên theo Chủ nhiệm Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì cần tiếp tục nghiên cứu thêm về tổ chức chất vấn. "Thảo luận đã có đổi mới, có tranh luận, nhưng khi chất vấn đề nghị không tranh luận. Đại biểu hỏi thì người nhận được câu hỏi phải trả lời. Nếu không đồng tình, người đặt câu hỏi có thể hỏi lại chứ người không đặt câu hỏi lại nhảy vào bình luận nọ kia thì không nên", Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định phân tích.
Qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: một số cử tri phàn nàn về việc có đại biểu chất vấn gay gắt, không cần thiết… Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để phiên chất vấn mang tính xây dựng, thông tin khách quan, đảm bảo không khí tranh luận trên diễn đàn Quốc hội. Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, cách thức chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn” là tốt nhưng chỉ dành cho Bộ trưởng, Trưởng ngành ba phút để trả lời mỗi câu hỏi thì chưa nói được hết những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề phức tạp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn nữa về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; trong đó cần khoanh lại các nhóm vấn đề để việc chất vấn tập trung hơn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đạt kỷ lục cả số người chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri rất thích cách chất vấn như vậy, dù điều hành vất vả. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý đưa ra quy tắc là khi đại biểu hỏi thì người bị chất vấn trả lời, còn người không liên quan thì không phát biểu.
Dự kiến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2019 và làm việc khoảng 20 ngày. Theo chương trình, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; 1 dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Quốc hội cũng cho ý kiến 9 dự án luật khác.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp đồng thời, tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, đề cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ, gửi tài liệu đúng thời gian theo quy định.
Trong phiên làm việc sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2018; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; Xem xét, quyết định việc bổ sung mua bù gạo dự trữ quốc gia và việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp trong năm 2017.