Tọa đàm do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mở lại Diễn đàn kinh tế sau sự gián đoạn từ năm 2017. Tọa đàm là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế. Trân trọng cảm ơn các đại biểu trong và ngoài nước đã dành những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngoài báo cáo đề dẫn, trong buổi sáng làm việc đã có 5 diễn giả trình bày về các lĩnh vực khác nhau, có 11 ý kiến tham gia từ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Khắc phục “rủi ro kép”
Tóm lược các ý kiến tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các diễn giả cho rằng kiểm soát thành công dịch COVID-19 và một số giải pháp hỗ trợ chính sách mạnh mẽ trong năm 2020 đã giúp Việt Nam ngăn chặn được suy giảm kinh tế và bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, nền kinh tế, có mức tăng trưởng đạt 2,91% - là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới, mức tăng trưởng này duy trì khá tốt trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, với chủng mới Delta, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trở lại lần thứ 4, đặc biệt từ tháng 4/2021, cao điểm từ tháng 7 đến nay đã tác động nặng nề đến kinh tế, xã hội, hệ thống y tế...
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ ý kiến đóng góp của chuyên gia với nhận định rằng việc phục hồi kinh tế trên thế giới vẫn chưa được đảm bảo, kể cả với những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao, trong khi vẫn còn có những nước chưa được an toàn. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nêu thông điệp là cần có sự chia sẻ bình đẳng về vaccine cho những nước nghèo hơn, những nước có tiềm lực kinh tế thấp hơn.
Điều lưu ý nữa là những nước thuộc nhóm 2 (nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) có thể có suy giảm tăng trưởng trong trung và dài hạn. Các diễn giả dự báo về "rủi ro kép". Thứ nhất là chiến lược vaccine trên toàn cầu chậm hơn dự kiến, độ bao phủ không được đầy ở những nước này. Thứ hai là chính sách tài chính, tài khóa, tiền tệ toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước tiên tiến thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro có thể gia tăng lạm phát do chính sách siêu nới lỏng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, từ dự báo này, Quốc hội, Chính phủ phải tính toán kỹ bởi đến khi chúng ta bắt đầu có khả năng phục hồi được thì những nền kinh tế lớn lại thắt chặt chi tiêu sớm hơn để đối phó với lạm phát (các nền kinh tế lớn có liên quan đến Việt Nam, các đối tác chiến lược, đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia). Trong khi đó một trong những động lực kinh tế của Việt Nam hiện nay là xuất khẩu.
Các ý kiến cho rằng Việt Nam kiên định mục tiêu kép nhưng có ưu tiên về thời điểm và địa bàn cụ thể cho phòng, chống dịch, phát triển kinh tế. Nội dung này, theo Chủ tịch Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị, của Trung ương đã nêu đường hướng rất rõ.
Đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng cùng xét nghiệm
Các ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng cùng xét nghiệm - điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và xã hội. Nhiều diễn giả cho rằng chống dịch là giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và các hoạt động bình thường khác, bản thân các biện pháp phòng, chống dịch phải hiệu quả và tiết kiệm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, giải pháp mà đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều diễn giả đề xuất cần phải tiếp tục giãn cách và có hạn chế di chuyển nhưng cần thông minh hơn. Tức là phải áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động.
Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, trong đó nhấn mạnh chính sách tài khóa cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho phù hợp với kinh tế-xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn. Khâu tổ chức thực thi chính sách cũng cần nhanh gọn, cần tăng cường giải ngân đầu tư công.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước hết phải chuẩn bị tốt đầu tư công và giao vốn đầu tư công. Công tác chuẩn bị đầu tư phải đẩy mạnh lên trong thời gian tới. Cùng với đó là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; tăng cường trợ giúp xã hội, nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương để làm chậm lại, khắc phục tình trạng khó khăn do đại dịch mang lại.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có chương trình tái thiết, phục hồi kinh tế phân chia theo từng giai đoạn (giai đoạn giảm thiểu, giai đoạn phục hồi, giai đoạn phát triển); chú ý đến việc đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh hệ sinh thái cho kinh tế số phát triển, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế và tổ chức rà soát để tăng cường năng lực quản trị quốc gia, năng lực thực thi chính sách, kể cả tầm nhìn, năng lực quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp và thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân
Các bài thuyết trình và phát biểu đều cho rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học hàng đầu đã có nhận định là chưa thể khắc phục được ngay được dịch COVID-19 trong các năm 2021-2022, mà có thể còn kéo dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tốc độ và phạm vi tiêm chủng, hiệu quả của vaccine ứng phó với những chủng mới của virus…
Nhiều ý kiến cho rằng ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách… là chính, sang các biện pháp tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỷ lệ tử vong thay vì giảm ca nhiễm. Điều kiện là tiêm chủng ít nhất phải đạt khoảng 60-70%; hạ tầng kinh tế phải khá phát triển và có tình trạng sẵn sàng cao; nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong quá trình phòng, chống dịch.
Mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm cả sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần; đồng thời duy trì linh hoạt hoạt động kinh tế, xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh.
Thực chất đây là giải pháp tìm điểm cân bằng, tối ưu giữa y tế và kinh tế, xã hội; áp dụng linh hoạt theo thời điểm, không nhất thiết trên diện rộng và thực hiện có lộ trình, không phải mở ra một lúc, “mở dần nhưng có kiểm soát”. “Chúng ta phải bảo vệ được những thành quả trước đây, vừa tiếp tục khôi phục và phát triển các hoạt động bình thường”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Mục tiêu tổng quát là cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo mục tiêu kép trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân. Đảng và Nhà nước ta cũng như thế giới đều nhấn mạnh bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết và trước hết.
Như dự báo là dịch bệnh còn có thể kéo dài nên các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế-xã hội. Trong đó cần nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng và bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu và thường xuyên.
Các chính sách, biện pháp thích ứng với dịch COVID-19 phải dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể và có lộ trình phù hợp, huy động, phân bổ nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả, cần tính đến cả trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó là nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng, tiêm vaccine và chuẩn bị thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết...
Các đại biểu cũng đề xuất Quốc hội tăng cường hơn nữa năng lực hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho quản trị quốc gia, cho tăng trưởng xanh, cho các mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…; tăng cường giải trình ở cấp Ủy ban, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề quan tâm để đồng hành nhiều nhất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cuộc tọa đàm đã thu hoạch nhiều ý kiến làm chất liệu trong việc hoàn thiện các báo cáo thẩm tra, đưa ra một số đường hướng trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Quốc hội nói chung trong thời gian tới; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ.
Được biết, dự kiến Diễn đàn kinh tế sẽ được tổ chức vào quý 1/2022, chủ đề là Phục hồi kinh tế sau đại dịch.