Đồng chí Mai Văn Chính. Ảnh: Văn Sơn/TTXVN |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính nhấn mạnh, đạo đức công vụ là hệ thống chuẩn mực quy định nhận thức và hành động được xem là tốt hay xấu trong hoạt động công vụ của người cán bộ, công chức; từ đó xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy và công tâm. Đây là vấn đề mà Đảng, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công cuộc cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính tin tưởng, những nội dung do các giáo sư của Nhật Bản giới thiệu và chia sẻ trong Hội thảo này sẽ là những kinh nghiệm hay, bài học bổ ích cho đội ngũ cán bộ Việt Nam từ nhận thức đến thực thi công vụ, nhất là vấn đề đạo đức trong việc xây dựng tổ chức.
Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, năm 2017, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế. Việt Nam đang có nhiều cơ hội lịch sử nhằm phát triển vượt bậc nền kinh tế.
Thời gian qua, với tư cách là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio đã giải thích cho các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam về tiềm năng đầu tư cũng như sự cần cù, chăm chỉ của người lao động Việt Nam. Đại sứ Umeda Kunio bày tỏ hy vọng các đại biểu dự Hội thảo đến từ các cơ quan của Đảng, Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đề cao tầm quan trọng của lòng tin với tương lai của Việt Nam.
Hội thảo “Triết lý Inamori - vấn đề đạo đức công vụ trong việc xây dựng tổ chức” giới thiệu về triết lý quản lý một tổ chức theo quan điểm đạo đức của Inamori nhằm nâng cao tính minh bạch trong thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng và chủ nghĩa “quen biết” trong bộ máy hành chính và trong các doanh nghiệp nhà nước.
Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là chiến lược về triết lý quản lý một tổ chức theo quan điểm “kính thiên ái nhân” (sống và làm việc đúng đạo đức, xuất phát từ lòng yêu thương con người vì lợi ích chung) của ông Inamori Kazuo, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, nâng cao nhận thức của các thành viên cấu thành tổ chức; phát huy nhân tố con người, xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường làm việc văn hóa lành mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về “Phẩm chất và triết lý cần có của nhà lãnh đạo theo triết lý Inamori” do ông Inamori, Chủ tịch Quỹ Inamori, Chủ tịch danh dự Công ty Kyocera, Cố vấn danh dự Hãng hàng không Nhật Bản chia sẻ qua băng video; nghe các Giáo sư Nhật Bản trình bày về lý thuyết: “Kiến tạo quốc gia như thế nào? Tư duy của người lãnh đạo quyết định dạng thức xã hội - Học tập từ triết lý Inamori”, “Nỗ lực trong việc thấm nhuần triết lý Inamori tại Hãng hàng không Nhật Bản” và một số bài tham luận khác.
Ông Inamori Kazuo là một doanh nhân tài ba, người sáng lập hai công ty Kyocera và KDDI nổi tiếng tại Nhật Bản. Năm 2010, ông nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không Nhật Bản mà không yêu cầu trả lương, sau đó giúp hãng này hồi sinh một cách thần kỳ chỉ trong vòng ba năm sau khi bị phá sản.
Triết lý kinh doanh của ông Inamori vô cùng đặc biệt, ông quan niệm cứ sống “đúng với đạo làm người” và điều hành doanh nghiệp thì từng thành viên của doanh nghiệp sẽ hạnh phúc, công ty sẽ phát triển, như lời ông nói: “Trao cơ hội phát triển cho mọi nhân viên cả về vật chất lẫn trí tuệ, và bằng nỗ lực, chúng ta sẽ cống hiến vào sự tiến bộ của xã hội và nhân loại”.