Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Chủ trì hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết, hội nghị sẽ xem xét thông qua các dự thảo: Báo cáo Tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V) về đẩy mạnh công tác dịch vụ, hỗ trợ nông dân giai đoạn 2010 - 2015; xác định phương hướng, nhiệm vụ hỗ trợ nông dân thời gian tới.
Hội nghị cũng bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Năm 2016, nước ta liên tục xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và tinh thần của nông dân, ngành nông nghiệp năm 2016 tổn thất 1,7 USD, xấp xỉ 1% GDP. Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, huy động nguồn lực để ứng phó khẩn cấp tại các địa phương bị thiên tai với tổng số tiền khoảng 26,4 triệu USD.
Đứng trước tình cảnh đó, với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước đã giúp nông dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Năm 2016, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 1,36%; giá trị sản xuất tăng 1,44%.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mức kỷ lục, đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD (5,4%) so với năm 2015, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Năm 2016, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình giúp nông dân nâng cao chất lượng sản xuất, cải thiện đời sống. Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển được hơn 311.000 tỷ đồng đã giúp hơn 6.800 lượt hộ nông dân vay vốn xây dựng 491 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị, an ninh trật tự ở nông thôn.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 2,9 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng 9.350 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; tổ chức 27 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 2.900 cán bộ; trợ giúp pháp lý cho trên 1.1.000 lượt người…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, thẳng thắn phân tích những hạn chế, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện để có cơ sở kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cả về nguồn lực và hành lang pháp lý để Hội thực hiện tốt vai trò của một tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội.
Để nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân, các đại biểu nhấn mạnh cần tập trung xây dựng các mô hình liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức cho nông dân ký cam kết “nói không với thực phẩm bẩn”.
Hội tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ, nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Đặc biệt, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi và phối hợp đào tạo kiến thức cho nông dân khi Việt Nam chính thức tham gia TPP để nông nghiệp, nông thôn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia, hội nhập thành công với thế giới.