Không thể chấp nhận phình bộ máy để tăng biên chế Tại buổi làm việc, chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với chức năng là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ gánh vác rất nhiều trọng trách. Bộ đã phối hợp xây dựng nghị định về quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ khi kiện toàn bộ máy Chính phủ mới, tham mưu xây dựng quy chế làm việc của Chính phủ, thực hiện nhiều chương trình đề án, dự án luật với 11 Nghị định, 16 Thông tư, 4 Nghị quyết, 3 đề án.
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Với tinh thần phân cấp mạnh, trước đây nhiều việc các bộ, địa phương phải xếp hàng lên Bộ Nội vụ, ngay cả việc thi tuyển chuyên viên, sắp xếp phê duyệt vị trí việc làm, hay các văn bản đều phải có ý kiến của Bộ Nội vụ thì nay đã được phân cấp mạnh mẽ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng cũng đi vào nề nếp, trật tự, chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng.
Nêu 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc biên chế và tiền lương là vấn đề rất quan trọng. Trong khi chỉ tiêu 6 năm phải giảm 10% biên chế và viên chức đang theo hướng tự chủ tài chính, hướng tới tự chủ toàn bộ, thì vấn đề quản lý công chức, viên chức, sử dụng hợp đồng lao động, quản lý quỹ lương cần phải lưu ý. Qua kiểm toán tại 13 bộ và 14 địa phương về giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, cho thấy sử dụng vượt thẩm quyền (nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập) tới hơn 63.200 người, việc kiểm tra, kiểm soát ở dưới không nắm hết.
“Tôi ở địa phương rồi tôi biết, khi bí lên là dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm ở trong đơn vị hành chính, tức là ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức, đây là thực tế và cần phải có sự chấn chỉnh ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
“Dứt khoát không thể tăng biên chế công chức, không thể chấp nhận phình bộ máy để tăng biên chế công chức và viên chức. Trong khi quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và 7, Bộ cần quan tâm đến vấn đề biên chế và tiền lương, làm sao chuyển đổi mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm.
Cho rằng hiện nay việc sắp xếp tổ chức bộ máy là rất khó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị vận dụng theo hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nếu văn bản ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, quy định chưa đáp ứng được, Bộ Nội vụ cần đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng thí điểm. “Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sâu sát, đốc thúc quyết liệt để giúp Thủ tướng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, biên chế, đầu tư xây dựng. Hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc”, ông Mai Tiến Dũng nêu.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, trong tham mưu xây dựng thể chế, cần phải có thực tiễn, sâu sát cơ sở để có đề xuất đúng, trúng. Lấy cải cách từ trong Bộ để đốc thúc các bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự minh bạch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời lưu ý của Thủ tướng.
Về quản lý hội và tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ trưởng nêu rõ, chính sách của Đảng, nhà nước là tạo điều kiện cho mọi người dân được quyền tham gia sinh hoạt tôn giáo, được pháp luật bảo hộ nhưng với những tổ chức tôn giáo tự xưng như “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” lợi dụng tôn giáo để làm việc trái với luân thường đạo lý, trái pháp luật, không đúng thì cơ quan nhà nước phải lên tiếng.
Rà soát, thanh tra, kiểm tra công vụ ít nhất 30% Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, công tác thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ rất quan trọng. Bộ đã đề xuất và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra công vụ ít nhất 30%. Trong các đơn vị trực thuộc Bộ cũng phải thanh tra, kiểm tra 30%.
Bộ Nội vụ không chỉ thanh tra, kiểm tra các cơ quan khác mà còn tiến hành việc này ngay tại cơ quan Bộ. Nội dung cũng xoay quanh vấn đề tổ chức biên chế, thi tuyển, tuyển dụng, chế độ chính sách. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.