Tổng Bí thư: Chống tham nhũng tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì

Ngày 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV; kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động năm 2017 và dự kiến chương trình hành động năm 2018.

Kỳ họp để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Đa số cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, vui mừng phấn khởi về những đổi mới, cải tiến trong hoạt động của Quốc hội. Qua theo dõi, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị, điều hành các phiên họp, không khí thảo luận, tranh luận rất thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung vào những vấn đề nóng, cử tri quan tâm.

 Thành công Kỳ họp thứ 4 để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian phát thanh truyền hình trực tiếp tăng lên, không khí các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tăng tính tranh luận hơn, người hỏi và người trả lời đều đi thẳng vào vấn đề, theo đến cùng vấn đề. Người đứng đầu Chính phủ đã dành hơn 2 tiếng trả lời chất vấn cho thấy tinh thần quyết liệt, sâu sát tình hình. Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu sâu sắc, nắm chắc thực tiễn, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Quốc hội đã có nhiều đổi mới, chuyển từ Quốc hội thảo luận sang Quốc hội tranh luận. Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Cử tri mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; rút ngắn hơn thời gian Kỳ họp để các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ Quốc hội đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy qua các ý kiến phát biểu, đa số cử tri hoan nghênh, đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đồng thời cũng chỉ ra hạn chế cần khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tổng Bí thư nhất trí với nhiều cử tri cho rằng Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là một trong những Kỳ họp thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, tiếp tục có những đổi mới, cải tiến theo tinh thần thật sự dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, chân thành, xây dựng. Càng ngày càng thấy rõ, Quốc hội của chúng ta là một Quốc hội trí tuệ và chân thành.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Kỳ họp thành công trên nhiều phương diện, đề cập nhiều vấn đề thời sự thiết thực, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt, nhưng cũng khá cơ bản, lâu dài, cả về xây dựng luật pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề kinh tế - xã hội, cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc, công tác nhân sự, dự toán ngân sách… công khai để toàn dân biết. Những vấn đề được lựa chọn bàn thảo, xem xét quyết định tại Kỳ họp này đều rất đúng, rất trúng.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã bàn nhiều vấn đề đại sự, quốc kế dân sinh, chất vấn những vấn đề hóc búa, qua đó cho thấy trình độ đại biểu ngày càng cao, chất lượng khá đồng đều, chuẩn bị công phu chặt chẽ. Toàn hệ thống cùng vào cuộc, đồng tâm nhất trí cao. Như vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đã bàn đi bàn lại nhiều lần, nhưng lần này Trung ương, Bộ Chính trị quyết tâm rất cao, là phải tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, giảm cấp phó, cấp hàm, giảm đầu mối, biên chế nặng, thủ tục hành chính phiền hà... Sau khi Trung ương có Nghị quyết, Quốc hội tiến hành giám sát, đưa ra thảo luận, thống nhất rất cao; Chính phủ đang triển khai thực hiện. Hay việc thông qua cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã họp bàn, Chính phủ lập Đề án trình Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận thẳng thắn, quyết liệt, không ngại va chạm và cuối cùng đồng thuận rất cao, với hơn 90% đại biểu tán thành.

Tổng Bí thư phân tích, Kỳ họp thứ 4 diễn ra trong bối cảnh kinh tế đất nước phát triển tương đối vững chắc, dự kiến cả 13/13 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, GDP có khả năng tăng 6,7%. Công tác đối ngoại, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 thành công tốt đẹp, đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.

Nhiều học giả quốc tế nhận định, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực, trung tâm chú ý trong số các quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã nâng cao hơn nữa hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Trong số hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực mà Việt Nam tham gia, không một tổ chức nào Việt Nam tham gia lấy lệ mà luôn thể hiện rõ vai trò tích cực và có nhiều hoạt  động thực tiễn. Vai trò, uy tín của Việt Nam được xác định thông qua phẩm chất chính trị - yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo, xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc đi theo. Trước kia, Việt Nam được cả thế giới biết đến nhờ lịch sử hào hùng của dân tộc, còn giờ đây đất nước đang mở sang trang mới trong tính cách, tài năng của mình, như một đối tác tin cậy, người bạn thủy chung trong những công việc lớn của thế giới.

Rốt ráo hơn việc thu hồi tài sản tham nhũng 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri phấn khởi, đồng thuận cao với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Lãnh đạo các ban, bộ, ngành vào cuộc rất mạnh, tuy nhiên bên dưới còn coi nhẹ, lơi lỏng, chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, coi thường pháp luật, coi thường tài sản của đất nước, nhân dân. Như vụ liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La có tới 17 cán bộ vi phạm. Cử tri cho rằng, đã phát hiện ra vi phạm phải xử lý thật nghiêm minh, kiên quyết. Mặc dù gần đây, nhiều vụ án lớn đã bị đưa ra xem xét xử lý, nhưng kết quả chưa thật sự thuyết phục, tài sản thu hồi được đến đâu? liệu có còn “vùng cấm”, “vùng nể” hay không? Cử tri đề nghị, cần quan tâm hơn nữa công tác cán bộ, phát huy vai trò của nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các sai phạm. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải quyết liệt, từ trên xuống dưới, đưa việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tế cuộc sống, đề cao trách nhiệm nêu gương, làm sao để cán bộ nói dân tin. 


Cử tri đồng tình với quan điểm của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh dai dẳng, kéo dài, phải kiên trì, bền bỉ. Khi người đứng đầu ít nhiều nhúng chàm thì không dám làm mạnh, hoặc trong cùng cơ quan có nhiều người nhà nên bao che cho nhau, khó phát hiện. Cử tri nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng phải thường xuyên liên tục, không ngừng nghỉ; mong Quốc hội xem xét thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) càng sớm càng tốt. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam, nếu không quản lý tốt, không giám sát chặt chẽ, cán bộ không biết giữ mình, thì từ dự án đến tòa án rất gần. 

Cử tri nhấn mạnh, cần có cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, làm rốt ráo hơn vấn đề này, gắn liền với kê khai tài sản và công khai minh bạch, giải trình tài sản phát sinh, tập trung vào những vị trí then chốt ở trung ương và địa phương; phải kê biên điều tra, xác định cho được tài sản tham nhũng để thu hồi xung công quỹ.   

Xung quanh vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư chỉ rõ: Không có cuộc tiếp xúc cử tri nào không nói đến, không kỳ họp nào Quốc hội không bàn, đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng, Trung ương đã có nhiều nghị quyết. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tiến hành bài bản hơn, có hiệu quả hơn, nhưng rõ ràng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, cần phải kiên quyết kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, không được nóng vội mà phải đi từng bước chắc chắn, đã nói là phải làm, đồng thời giữ được ổn định để phát triển… 

Tổng Bí thư cho biết, hiện nay khâu yếu vẫn là điều tra, giám định, thu hồi tài sản… sắp tới cần đẩy mạnh hơn nữa. Muốn thế, lòng dân phải thuận, tất cả cùng vào cuộc, đồng lòng nhất trí cao, không thể không làm. Luật pháp là công cụ bảo đảm để làm cho tốt, nhưng luật ban hành phải chuẩn, tập trung vào những khâu yếu như đã nói trên, nhốt quyền lực vào trong lồng luật pháp, cơ chế, để không thể, không dám và không muốn tham nhũng… Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn dân đồng thuận, tất cả cùng vào cuộc, “lò” nóng lên thì không ai có thể đứng ngoài cuộc được. 

Tổng Bí thư mong muốn cử tri tiếp tục đồng lòng nhất trí cao hơn, quyết tâm lớn hơn, cùng toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, không chỉ đấu tranh chống tham nhũng, mà xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, bằng, văn minh, vươn tầm khu vực và thế giới.

Trí tuệ và chân thành

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đại diện các thành phần, lĩnh vực, đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ và chân thành, nhiều kiến nghị, đề xuất xác đáng về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Cử tri Nguyễn Văn Dũng (quận Ba Đình) cho rằng, đánh giá việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cần sát thực hơn, chẩn bệnh có đúng mới chữa được bệnh. Trong giai đoạn tới, việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước là rất cần thiết, cấp bách, nhằm giảm cồng kềnh, giảm đầu mối, tầng nấc. Những trường hợp bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quá quy định cần xử lý nghiêm. Lộ trình giảm biên chế cần cụ thể hơn, xác định rõ con số cần thực hiện đến cuối nhiệm kỳ là bao nhiêu theo yêu cầu của Trung ương Đảng và Quốc hội.

Một số cử tri phấn khởi nhận thấy tại Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng, trong đó có Luật Quy hoạch; đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật này, ngăn chặn tình trạng “lách luật”, không để xảy ra tình trạng “nắn”, “vuốt”, điều chỉnh quy hoạch có lợi cho một bộ phận, tạo công cụ kiến tạo đất nước phát triển.

Cử tri băn khoăn về tình trạng luật ban hành nhiều nhưng áp dụng vào thực tế còn yếu, văn bản hướng dẫn thi hành chậm, thiếu cán bộ, kinh phí cho việc tuyên truyền phổ biến pháp luật. Cán bộ lãnh đạo càng phải nắm rõ pháp luật để không ký ban hành những văn bản trái luật, bảo đảm luật sau khi ban hành phải đi vào thực tế cuộc sống. Cử tri đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản pháp luật, tránh tình trạng "sáng ban hành, trưa xin lỗi, tối thu hồi".

Lo ngại về hệ lụy của tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cử tri đề nghị, cần đề ra các quyết sách mạnh mẽ, hiệu quả hơn để quản lý bảo vệ bảo vệ tài nguyên rừng, hạn chế hậu quả khắc nghiệt do thiên hai gây ra. Các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các địa phương cần tăng cường giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn việc chuyển đổi đất lâm nghiệp, quản lý rừng, nghiêm khác xử lý những ai xâm phạm tài nguyên của đất nước. Cử tri cũng nêu nhiều băn khoăn liên quan đến Thông tư 33 về việc ghi tên thành viên hộ gia đình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, cử tri đề nghị cần tập hợp các chuyên gia giỏi, có đức có tài, tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả để tạo ra sản phẩm có chất lượng cho nền giáo dục. Sách giáo khoa phải được biên soạn sát thực tế, trang bị kiến thức cơ bản, dễ hiểu dễ nhớ, đặt nền móng cho tư duy sáng tạo, phát triển con người toàn diện. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở trường lớp cho việc dạy và học; quan tâm đúng mức chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên.

Tổng Bí thư ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cử tri, đã đề cập rất cụ thể, chi tiết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, cả cho trước mắt và lâu dài. Qua tiếp xúc cử tri càng hiểu rõ lòng dân; quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri càng thêm gắn bó mật thiết. Cử tri luôn quan tâm sâu sắc các hoạt động của Quốc hội, đóng góp ý kiến xác đáng, trí tuệ và chân thành. Đây không phải là ý kiến riêng của từng cử tri mà thay mặt cho toàn phường, cho phụ nữ…, mỗi người một lĩnh vực, đóng góp rất xác đáng, phong phú, nhiều mặt. Tổng Bí thư cho rằng, mỗi lần tiếp xúc cử tri là một lần được học tập, tiếp thu, khắc phục những hạn chế, để làm tốt hơn những việc chưa làm được.
Nguyễn Sự (TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp xúc cử tri
Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp xúc cử tri

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 28/11, đoàn công tác do ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã có cuộc tiếp xúc với cử tri các huyện Yên Bình và Trấn Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN