Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn kiểm tra công tác Cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/9 về công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2015 – 2016, thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính, gắn với xây dựng đô thị thông minh, hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử năm 2020; thực hiện quyết liệt công tác rà soát, kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo quy trình kết nối liên thông đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thành phố và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tuyên truyền chính sách và tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố liên quan đến các lĩnh vực như thuế, hải quan, lao động và công đoàn, bảo hiểm xã hội, công nghệ thông tin, thương mại, đầu tư, cải cách hành chính, thủ tục hành chính...
Ngoài ra, hiện 100% các đơn vị sự nghiệp công lập khối quận - huyện đã được giao tự chủ tài chính và tất cả các đơn vị đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị sự nghiệp.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã dành một chương trình về cải cách hành chính trong 7 chương trình đột phá của Thành phố. Trong đó xác định, cải cách hành chính rất quan trọng vì có tác động, chi phối đến các chương trình khác.
Trong nỗ lực cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp,Thành phố đang triển khai xây dựng Đề án thành phố thông minh và nỗ lực đến đầu quý I/2017 sẽ thông qua đề án. Các giải pháp xây dựng thành phố thông minh là cấp bách, để triển khai cải cách hành chính có hiệu quả. Với số dân sinh sống tại Thành phố khoảng 13 triệu người như hiện nay, cần nhanh chóng triển khai xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết, đáp ứng nhu cầu người dân.
Đối với cải cách hành chính, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trọng tâm là đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách có hiệu quả thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tử tế phục vụ nhân dân; đồng thời tạo cơ chế, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển với mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Hiện thành phố đang giao Sở Nội vụ xây dựng đề án về phân quyền, phân cấp mạnh cho các sở - ngành, quận - huyện nhằm khơi tính chủ động cho các đơn vị.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh La Thăng khẳng định, thành phố đang quyết tâm trên cơ sở kế thừa thành tựu từ trước, thực hiện bằng được chính quyền vì nhân dân phục vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục là đầu tàu kinh tế cả nước và sớm trở thành trung tâm lớn trong khu vực về kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo...
Thành phố sẽ nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm”, cái gì có lợi cho dân thì quyết làm. Thành phố cũng sẽ kiên trì đề xuất với Chính phủ thực hiện đột phá về tiền lương và thu nhập cho cán bộ công chức để thực tiện tốt tinh giản biên chế.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương chính quyền, nhân dân Thành phố đã đạt được với những đột phá trong cải cách hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thành phố và lan tỏa đến nhiều địa phương khác.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời giao cho các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn thành phố các đề xuất về cơ chế phân cấp, ủy quyền, phối hợp với quy chế pháp lý và đặc thù quản lý đô thị; cải cách tài chính công, chính sách tiền lương và xã hội hóa một số lĩnh vực phù hợp...
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý thành phố cần tiếp tục triển khai cải cách hành chính một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, gắn cải cách thủ tục hành chính với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Niêm yết thủ tục hành chính, thực hiện xin lỗi công dân với các trường hợp hồ sơ trễ hẹn do lỗi của cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị, thành phố đẩy mạnh thực hiện trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử, giúp giảm bớt thời gian giải quyết các thủ tục; trong quá trình trao đổi cần chú trọng đến an toàn, an ninh thông tin mạng...
Đối với hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, thành phố đặt mục tiêu và đạt con số 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ là thành công lớn. Cùng với mục tiêu đó, thành phố phải tạo điều kiện để có doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; đồng thời tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp. Hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, do vậy thành phố phải có chính sách hỗ trợ cho giới trẻ khởi nghiệp tốt.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh vì có thành tích trong thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.
Trước đó, đoàn cũng đã đi kiểm tra thực tế việc cải cách hành chính tại một số cơ sở thuộc địa bàn thành phố gồm UBND quận 1, Sở Kế hoạch và Đầu tư.