Xin đồng chí cho biết, để đạt được mục tiêu tổng quát với 3 khâu đột phá chiến lược, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tỉnh Quảng Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?
Đối với tỉnh Quảng Nam, những thành tựu đạt được qua các thời kỳ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trong thời gian đến, trong đó đặc biệt là các nhóm dự án trọng điểm Vùng Đông Nam đã, đang và sắp triển khai sẽ tạo ra động lực phát triển lan tỏa cho tỉnh Quảng Nam trong nhiệm kỳ đến.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động rất mạnh đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách, đầu tư và thương mại, làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng, suy giảm tiêu dùng, dịch vụ và du lịch; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trình độ, năng suất lao động, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa tương xứng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư; các thế lực thù địch chống phá quyết liệt dựa vào không gian mạng. Đó là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải tiếp tục đề ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong những năm đến.
Vậy trong nhiệm kỳ mới này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, thưa đồng chí?
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam cần tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân vận của Đảng; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược (xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Tỉnh phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông; phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Quảng Nam.
Đồng thời, Quảng Nam cần quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức....
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, của người đứng đầu các cấp, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống như thế nào, thưa đồng chí?
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt 14 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, ngay sau khi Đại hội kết thúc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ sớm hoàn thiện ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, đề ra chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, xây dựng quy chế làm việc của Tỉnh ủy; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trên cơ sở Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành sẽ quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương để triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XXII đã đề ra. Các cấp, các ngành cần lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để tập trung chỉ đạo, tạo động lực thực hiện đạt kết quả cao nhất; đề ra các đề án, cơ chế, chính sách và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XXII đã đề ra.
Trân trọng cám ơn đồng chí!