Tham dự buổi lễ, về phía Lào có: Đồng chí Bosengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; đồng chí Thongsavanh Phomvihane, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam; đồng chí Sounthone Khanthavong, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Pathet Lào (KPL).
Về phía Việt Nam có: Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN, các đồng chí trong Ban lãnh đạo và đại diện các đơn vị của TTXVN. Đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham dự.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Bosengkham Vongdara đã trang trọng trao Huân chương Tự do Isala hạng Nhì - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Lào tặng Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và tặng cá nhân đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN.
Tám đơn vị chức năng, thông tin của TTXVN vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước CHDCND Lào tặng thưởng gồm: Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại, Ban biên tập tin Thế giới, Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập tin Đối ngoại, Ban biên tập Ảnh, Báo ảnh Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, Cơ quan thường trú TTXVN tại Viêng Chăn.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Đây là sự ghi nhận, tuyên dương của Đảng và Nhà nước Lào đối với mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, thủy chung, trong sáng và có hiệu quả cao giữa hai cơ quan thông tấn quốc gia của Việt Nam và Lào suốt trong chiều dài lịch sử cách mạng của hai dân tộc.
Thay mặt Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của TTXVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi trân trọng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đùm bọc và giúp đỡ các thế hệ cán bộ, chuyên gia, phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Lào.
“Đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Lào, TTXVN nguyện sẽ tiếp tục kề vai sát cánh, tăng cường hợp tác với Thông tấn xã Pathet Lào, để hai cơ quan thông tấn quốc gia cùng trưởng thành, góp phần gìn giữ và vun đắp tình hữu nghị truyền thống, quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào thủy chung, trong sáng, hiếm có trên thế giới”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, một nửa nước Việt Nam được giải phóng. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề, Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) vẫn không ngừng chi viện sức người, sức của cho cách mạng Lào; cử nhiều đoàn cán bộ, phóng viên, chuyên gia sang vùng giải phóng Lào đưa tin, chụp ảnh, mở lớp đào tạo cán bộ tuyên truyền, đặt nền móng cho báo chí cách mạng Lào.
Trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung xâm lược, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn cũng là tự giúp mình”, TTXVN đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia thông tấn đến vùng giải phóng Lào sát cánh với các đồng nghiệp Lào, băng rừng, lội suối, theo sát các cánh quân ra mặt trận, không quản ngại đạn bom, kể cả hy sinh tính mạng, để có những dòng tin, bức ảnh quý. Ngoài tin, ảnh, TTXVN còn giúp đỡ kịp thời nhiều vật tư, thiết bị, máy móc giúp các đồng nghiệp Lào đảm bảo phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Sau ngày hai nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai cơ quan thông tấn quốc gia bước vào giai đoạn mới - Hợp tác cùng phát triển. TTXVN tiếp tục giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp Lào, cùng giúp nhau xây dựng hai hãng thông tấn quốc gia ngày một hiện đại.