Di sản của Người - tư tưởng Hồ Chí Minh là kho tàng quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Được hình thành và phát triển, đáp ứng đòi hỏi tất yếu khách quan của dân tộc và thời đại, của với thực tiễn ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn có giá trị bền vững và đúng đắn.
Đáp ứng đòi hỏi của dân tộc và thời đại
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong (Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh được kết tinh từ ba tầng giá trị: Truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa Đông –Tây và chủ nghĩa Mác -Lê nin. Là sự kết tinh, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam với cái nôi là chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, tư tưởng Hồ Chí Minh là thành tố quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, là chuẩn mực bổ sung cho nền văn hóa truyền thống.
Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã chắt lọc các giá trị văn hóa cổ, kim, Đông, Tây, đồng thời tìm thấy mẫu số chung, điểm tương đồng của văn hóa nhân loại để làm giàu cho trí tuệ của mình. Người không vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin một cách cứng nhắc mà phát triển sáng tạo nó theo điều kiện cụ thể của Việt Nam.
“Không có chủ nghĩa Mác - Lê nin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh vì chủ nghĩa Mác - Lê nin trang bị cho Hồ Chí Minh thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn; đưa tư tưởng Hồ Chí Minh lên một trình độ mới, một chất mới, gắn dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nhưng chủ nghĩa Mác - Lê nin không thể thay thế tư tưởng Hồ Chí Minh vì “tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lê nin đã được tiêu hóa vào không gian và thời gian xác định”. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê nin và những khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái, tiến bộ, dân chủ của phương Tây qua lăng kính giải phóng dân tộc Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nhận định.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vĩnh Thanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 1 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nêu rõ: Là người đầu tiên vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của đất nước, ngay sau khi được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê nin, Hồ Chí Minh đã xác định, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc, giai cấp và con người. Vì thế, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo và thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vĩnh Thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, chuyển hóa và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn cách mạng nước ta; qua đó, tạo nên hệ thống tư tưởng của mình và tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong 35 năm đổi mới vừa qua, đã khẳng định và chứng minh giá trị, sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Giá trị bền vững
“Tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị bền vững vởi nội dung toàn diện và sâu sắc với với bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nêu nhận xét.
Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận về cách mạng Việt Nam, thực hiện giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Ở chiều sâu, xuyên suốt, giá trị bền vững, vĩnh hằng của tư tưởng Hồ Chí Minh là “vì dân, do dân”. Vì dân là mục đích, do dân là phương thức cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh. Cả đời Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân; là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công trước hết phải có Đảng. Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phòng đánh giá, giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ, Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng theo đúng tinh thần của V.I.Lê nin, vì Người biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát. Tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng đòi hỏi của dân tộc, phù hợp với thời đại, làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta và thời đại chúng ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh không thay đổi”. Cũng theo Đại tướng, "Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thể kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Với những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Những kết quả nêu trên là nhân tố quan trọng, góp phần vào sự thành công Đại hội XIII của Đảng, của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm tiếp tục phát huy, lan tỏa những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh tới toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, ngày 18/5, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Điều này khẳng định rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.