Hội nghị đã thông qua và ký Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, thể hiện mạnh mẽ sự đoàn kết, thống nhất, cam kết đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực của các nước ASEAN.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung:
"Chúng tôi, Bộ trưởng Quốc phòng Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Phillipines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã gặp mặt trực tuyến vào ngày 9/12/2020 để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (sau đây gọi tắt là “ADMM”);
Ghi nhận các tác động của sự chuyển dịch địa chiến lược và địa chính trị trong môi trường khu vực, toàn cầu, các ảnh hưởng của việc tăng cường gắn kết trong khu vực, hợp tác, kết nối kinh tế liên khu vực và các xu thế toàn cầu bao gồm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những yếu tố này có ảnh hưởng đến các mối đe dọa an ninh phức tạp, khó lường, xuyên biên giới và ngày càng gia tăng về cường độ và tính nghiêm trọng, đồng thời mang lại cơ hội cho người dân các nước thành viên ASEAN vượt qua giai đoạn này;
Được khuyến khích bởi nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc cùng nhau củng cố một Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm và hướng tới người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau và hướng đến một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng;
Ghi nhận sự hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong ứng phó dịch bệnh bùng phát, bao gồm COVID-19;
Nhắc lại các nguyên tắc và mục đích của ASEAN nêu trong Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á trong việc tăng cường vai trò trung tâm và sự đoàn kết trong ASEAN và duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ phù hợp với luật pháp quốc tế vì lợi ích của người dân.
Nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng đối với Biển Đông để khu vực này trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), theo lịch trình đã được nhất trí. Ngoài ra, các bên cũng cam kết thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, tạo ra một môi trường thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông;
Tái khẳng định Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm hiện thực hóa ASEAN Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm với việc tăng cường năng lực ứng phó hiệu quả với các thách thức và biến ASEAN thành một khu vực hướng ra bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời duy trì vai trò Trung tâm của ASEAN;
Đảm bảo thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC) năm 2025 thông qua cách tiếp cận rõ nét và chủ động để ứng phó với các thách thức của thời đại và tăng cường phối hợp liên ngành trong phạm vi APSC cũng như các vấn đề liên trụ cột trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN;
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM và ADMM+ với vai trò là diễn đàn quốc phòng và an ninh đa phương hiện hữu của khu vực đóng vai trò là nền tảng cho đối thoại chiến lược cũng như hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất;
Khen ngợi tiến triển của các sáng kiến ADMM bao gồm Hợp tác giữa các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan quốc phòng ASEAN về các vấn đề an ninh phi truyền thống; Sử dụng tài sản và năng lực quân sự trong Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR); Hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình của ASEAN; Khuôn khổ hỗ trợ hậu cần ASEAN; Chương trình giao lưu quốc phòng ASEAN; Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN (ADI); Nhóm Thường trực Quân đội các nước ASEAN (AMRG) về HADR; Trung tâm Quân y ASEAN; Trao đổi Giáo dục và Đào tạo trong khuôn khổ ADMM;
Tăng cường liên kết giữa ADMM và Mạng lưới các Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ASEAN; Hướng dẫn tương tác trên biển; Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về phóng xạ, hóa học và sinh học; ASEAN Con mắt của chúng ta (AOE); Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự (GAME); Hội thảo Quân y ASEAN và Vai trò của cơ quan quốc phòng các nước ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới;
Biểu dương tiến triển trong hợp tác thực chất của các Nhóm chuyên gia ADMM+ về HADR, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hòa bình, Hành động Mìn nhân đạo và An ninh mạng;
Bày tỏ sự hài lòng với những tiến triển đạt được của quân đội các quốc gia thành viên ASEAN trong việc tăng cường hợp tác thực chất, như: Hội nghị Tư lệnh Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM), Hội nghị Cục trưởng Tác chiến các nước ASEAN, Hội nghị Những người đứng đầu Tình báo quốc phòng các nước ASEAN và các diễn đàn hợp tác liên quan, Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN, Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, Hội nghị Tư lệnh Không quân các nước ASEAN và Hội nghị những người đứng đầu Quân y ASEAN;
Biểu dương sự chuẩn bị chủ động, chu đáo và hiệu quả của Việt Nam trong năm ASEAN 2020, bao gồm các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt là công tác phòng ngừa dịch bệnh bùng phát;
Sau đây xin tuyên bố:
1. Thông qua Kế hoạch hoạt động ba năm của ADMM giai đoạn 2020-2022 để đề ra phương hướng hợp tác trong ADMM, đồng thời tiếp nối các Kế hoạch hoạt động trước đây của ADMM, đặc biệt là Kế hoạch hoạt động ba năm của ADMM giai đoạn 2017-2019;
2. Tăng cường nỗ lực thúc đẩy tính chủ động và gắn kết ASEAN trong việc thích nghi với quá trình chuyển dịch địa chính trị và địa chiến lược thông qua hoạt động tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các thành viên ASEAN cũng như với các nước Cộng nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời duy trì các nguyên tắc về vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ra quyết định dựa trên đồng thuận, cũng như việc đóng góp một cách tự nguyện, linh hoạt và không ràng buộc, trong đó các tài sản vẫn thuộc quyền chỉ huy và kiểm soát của quốc gia;
3. Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như sự cần thiết phải thực hiện tự kiềm chế việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, Công ước này đề ra khuôn khổ pháp lý để triển khai tất cả hoạt động ở các đại dương và vùng biển;
4. Nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; nhấn mạnh việc thực thi đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh các sáng kiến xây dựng lòng tin như Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển, GAME, Hướng dẫn tương tác trên biển, ADI và các hoạt động khác trong khuôn khổ DOC nhằm tăng cường thông tin liên lạc, xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm và những tính toán sai lầm trên không và trên biển;
5. Nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các hoạt động liên ngành và liên trụ cột nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ba Trụ cột trong Cộng đồng ASEAN bằng việc chú trọng tạo môi trường an ninh thuận lợi vì sự bền vững trên tất cả các phương diện, bao gồm kết nối khu vực bền vững thông qua tăng cường kết nối trên biển, trên bộ, trên không, cũng như kết nối người dân.
6. Thông qua Tài liệu khái niệm về việc đặt cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ tại đơn vị quân đội của quốc gia thành viên ASEAN tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong Cộng đồng ASEAN nói chung và giữa lực lượng quốc phòng các nước ASEAN nói riêng, đồng thời khẳng định sự gắn kết, phát triển và đồng thuận của ASEAN vì mục đích cao quý duy trì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới;
7. Thông qua Tài liệu khái niệm về Xây dựng mối liên kết giữa Hội nghị ADMM và ACDFM, tài liệu này nhằm thiết lập một phương thức báo cáo rõ ràng giữa ACDFM và các hội nghị liên quan, cũng như giữa ACDFM và ADMM, qua đó tạo sự phối hợp giữa hai diễn đàn và tránh trùng lặp trong hợp tác quốc phòng;
8. Thông qua Tài liệu khái niệm về Tăng cường vai trò của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN để nhấn mạnh vai trò quan trọng của tùy viên quốc phòng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng đa phương;
9. Thông qua Quy trình hoạt động chuẩn (SOP) của AMRG về HADR, tài liệu đề ra các nguyên tắc hướng dẫn, quy trình chuẩn, khái niệm hoạt động, các yêu cầu và thủ tục cơ bản cho AMRG về HADR trong việc sử dụng tài sản và năng lực quân sự hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng trong khu vực;
10. Thông qua Tài liệu khái niệm về SOP sáng kiến AOE, quy định thủ tục và cơ chế trao đổi thông tin chiến lược giữa các quốc gia thành viên ASEAN về chủ nghĩa bạo lực cực đoan, cấp tiến và khủng bố;
11. Ghi nhận tầm quan trọng của ADMM+ với vai trò cơ chế tham vấn cao nhất về quốc phòng-an ninh cấp bộ trưởng đối với các quốc gia thành viên ASEAN và các nước Cộng, đồng thời thúc đẩy cơ chế hợp tác thực chất thông qua các Nhóm chuyên gia ADMM+; ghi nhận mong muốn của bạn bè và các Đối tác đối thoại của ASEAN đóng góp vào an ninh và ổn định trong khu vực;
12. Biểu dương những tiến triển đạt được của ADMM+ từ hội nghị lần đầu tiên tại Hà Nội năm 2010, bao gồm việc thường niên hóa ADMM+ và tăng số lượng các Nhóm chuyên gia ADMM+ từ năm lên bảy;
13. Hoan nghênh Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+ tổ chức vào ngày 10 tháng 12 năm 2020, đánh dấu thành tựu của ADMM+ với vai trò là một cơ chế hợp tác quốc phòng do ASEAN dẫn dắt, thể hiện ADMM+ tiếp tục cam kết đối với hòa bình và ổn định khu vực khi bước sang thập kỷ tiếp theo;
14. Hoan nghênh đồng chủ trì mới của các Nhóm chuyên gia ADMM+ chu kỳ 2021-2023 và việc thông qua các Kế hoạch hoạt động tương ứng của các Nhóm chuyên gia;
15. Hoan nghênh Brunei Darussalam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và tổ chức ADMM lần thứ 15, ADMM+ lần thứ 8 năm 2021".