Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Đồn Sen Bụt (Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị) và người dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) tại cột mốc biên giới 579 trên tuyến biên giới Việt Lào. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới với tổng chiều dài 2.337,507 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam, từ Điện Biên đến Kom Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào, từ Phông Sa Lỳ đến Ăt Ta Pư.
Hai nước đã ký nhiều văn bản pháp lý quan trọng về biên giới lãnh thổ, đặc biệt là “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” ký ngày 18/7/1977, tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.
Từ đó, đường biên giới Việt Nam-Lào đã được hoạch định, phân giới cắm mốc; ghi nhận trong các Hiệp ước hoạch định, Nghị định thư phân giới cắm mốc và các văn bản pháp lý liên quan ký kết giữa hai nước.
Nhằm xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ biên giới trong tình hình mới, năm 2008, hai nước đã phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
Trọng tâm của dự án là tăng dày số lượng mốc, tôn tạo, xây mới mốc hiện có để làm rõ đường biên giới trên thực địa, không tiến hành phân giới lại, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam-Lào.
Thực hiện Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 71/CT-BQP ngày 28/5/2008 về việc tổ chức thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
Ngay từ khi triển khai thực hiện Dự án, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ Quốc phòng xác định việc cắm mốc quốc giới là công tác tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, lực lượng từ Trung ương đến địa phương; là công tác kết hợp cả đơn phương và song phương, triển khai trong thời gian dài tại khu vực biên giới có cơ sở hạ tầng thấp kém, hầu hết là vùng rừng núi có địa hình hiểm trở, phức tạp, dân cư thưa; dọc tuyến biến giới còn nhiều bom mìn và vật cản nổ do chiến tranh để lại…
Đánh giá, thấy rõ nhưng khó khăn, phức tạp trong thực hiện nhiệm vụ cắm mốc biên giới, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ Quốc phòng đã tổ chức các hội nghị tập huấn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ tích cực tham gia cùng các lực lượng khác thực hiện công tác cắm mốc biên giới.
Theo Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ Quốc phòng, Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân hai bên biên giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai thực hiện Dự án rất nhiều gặp khó khăn.
Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội cắm mốc số 2 tỉnh Nghệ An chia sẻ: Nhiệm vụ của Đội là tăng dày và tôn tạo 39 mốc trên tuyến Nghệ An với tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) dài 155 km. Đây là địa bàn cắm mốc khó khăn, địa hình phức tạp hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
Phần lớn các mốc tăng dày, tôn tạo đều nằm ở vị trí hiểm yếu, xa nơi vận chuyển mốc, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, nước uống gây khó khăn cho quá trình đi lại. Cùng với đó, đời sống của nhân dân các xã biên giới của ta và bạn Lào còn quá khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cắm mốc trên thực địa.
Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, từ năm 2010 đến nay, Đội đã phối hợp với Đội cắm mốc của Lào hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa gồm 39/39 cột mốc và 7 cọc dấu đơn tại địa bàn các đồn Biên phòng.
“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài việc tăng cường công tác quán triệt sâu sắc nhiệm vụ cắm mốc biên giới Việt Nam-Lào một cách sâu rộng tới cán bộ, chiến sĩ, Đội luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tương rợ giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, Đội đã thể hiện tinh thần hữu nghị nhường cơm, sẻ áo với bạn Lào trong quá trình ăn, ở, sinh hoạt và cùng thực hiện nhiệm vụ cắm mốc trên thực địa”, Trung tá Phan Thanh Hồng cho biết.
Thượng tá Lê Ngọc Thành, Phó Tham mưu trưởng, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 bộc bạch: Đa số các vị trí cần xác định để cắm mốc của Đội đều nằm ở những nơi khó khăn, chưa có hệ thống đường giao thông... Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, sau khi thành lập tháng 10/2008, Đội đã nhanh chóng kiện toàn, ổn định biên chế; tích cực tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh hoàn thiện các văn bản pháp lý và quy định cần thiết cũng như hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.
Đội đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng bảo vệ dẫn đường ở các đồn biên phòng, dân quân các xã biên giới nơi có triển khai công tác cắm mốc. Đồng thời, Đội đã xây dựng phương án cụ thể để triển khai công tá khảo sát song phương trên từng địa bàn, tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, đảm bảo công tác an ninh trong tác nghiệp trên biên giới và làm việc tại lán trại…
Sau gần 8 năm thực hiện, Đội đã hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa đúng thời gian quy định, với 105 mốc trên 99 vị trí và 18 cọc dấu; đảm bảo tiến độ, yêu cầu về kỹ thuật, pháp lý ngoại giao, đáp ứng được nhu cầu phối hợp quản lý biên giới ổn định giữa hai nước Việt Nam-Lào.