Trong khi dự thảo Luật Căn cước công dân đề nghị bỏ cấp giấy khai sinh, nhưng dự thảo Luật Hộ tịch lại đề nghị giữ lại. Về vấn đề này, đa số các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho công dân, đồng thời tiến hành làm thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên.Tránh lãng phí Ngày 28/10, Quốc hội dành trọn cả ngày để thảo luận về hai dự án luật Hộ tịch và Căn cước công dân. Đa số các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em, để làm căn cứ thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương hoa - TTXVN |
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về trẻ em, làm căn cứ để tiến hành nhiều thủ tục pháp lý khác như: cấp thẻ căn cước, chứng nhận… Mặt khác, việc bỏ cấp giấy khai sinh nhưng lại lấy trích lục từ sổ hộ tịch thì vẫn không giảm được thủ tục hành chính”.
“Trước đây, ở nước ta chỉ có một cấp đăng ký hộ tịch là cấp xã. Nhưng hiện nay, cấp tỉnh cũng cấp giấy đăng ký kết hôn. Do vậy, nên trở lại cấp xã đăng ký, còn cấp huyện, tỉnh tập trung về quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
“Giấy khai sinh liên quan tới 70 thủ tục hành chính khác. Do vậy, cần quy định tiếp tục cấp giấy khai sinh, song hành cùng cấp thẻ căn cước cho công dân. Đặc biệt, giấy khai sinh còn là cơ sở quan trọng trong việc xác nhận với các tổ chức giáo dục nước ngoài”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị.
Cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phát biểu: “Giấy khai sinh có giá trị suốt đời, không cấp đổi như các loại thẻ khác. Làm thẻ căn cước phải đổi định kỳ, giá thành lại tốn kém hơn giấy khai sinh. Tôi thấy rằng cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em như trong Luật Hộ tịch. Khi đủ 14 tuổi thì cấp thẻ căn cước. Như vậy đảm bảo tiện dụng, không xáo trộn, không gây tốn kém, lãng phí”.
Đánh giá việc cấp thẻ căn cước sẽ tốn kém rất nhiều kinh phí của Nhà nước và người dân, đại biểu Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh: “Tôi không đồng tình với việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, vì nhận dạng của nhóm tuổi này còn thay đổi nhiều. Hơn nữa, chi phí để cấp 21 triệu thẻ căn cước công dân cho nhóm này là không hề nhỏ, thẻ này lại ít sử dụng trong việc giao dịch dân sự”.
Bên cạnh đó, qua thực tế, nhiều trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, sống trong các nhà chùa, cơ sở nuôi trẻ mồ côi… chưa được đăng ký khai sinh, có em đến khi đi học cũng chưa đăng ký khai sinh, gây nhiều thiệt thòi cho các em. Vì vậy, trong thời hạn 60 ngày từ lúc sinh phải đăng ký khai sinh cho các em.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn chứng: “Vụ việc vừa qua ở chùa Bồ Đề cho thấy, ở đây có nuôi 110 trẻ em, nhưng có tới 80 trẻ em không được đăng ký khai sinh. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được nhận làm con nuôi của các em. Và câu hỏi đặt ra ở đây là cơ quan quản lý nào phải chịu trách nhiệm về việc này, sai phạm cụ thể như vậy nhưng không thể chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm”.
“Do vậy, cần bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm, chế tài với các cơ quan chức năng, những người có chức vụ, không để các em không có giấy khai sinh, bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ”, đại biểu Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề đăng ký hôn nhân, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ra một thực trạng: “Khá nhiều công dân xin được giấy chứng nhận độc thân để đăng ký kết hôn trong khi đã kết hôn. Do vậy, phải xác nhận tình trạng độc thân vào sổ hộ tịch, không để tận dụng kẽ hở này”.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc giao cho chính quyền cấp xã chứng nhận đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cần được thực hiện ở cấp cao hơn để đảm bảo chính xác. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch để kiểm soát chặt chẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính đăng ký hộ tịch.
Căn cước công dânVề dự Luật Căn cước công dân, theo dự thảo, căn cước công dân sẽ thay cho chứng minh nhân dân hiện nay. Nhiều đại biểu vẫn băn khoăn, việc cấp căn cước gây tốn kém cho Nhà nước và công dân, đồng thời phải thay đổi nhiều trong giao dịch sẽ gây xáo trộn đời sống người dân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Tịnh (Bình Định) cho rằng: “Không nên đổi tên chứng minh thư thành thẻ căn cước công dân, gây tốn kém. Hơn nữa, chúng ta đã quen dùng chứng minh thư trên toàn quốc, tất cả các giao dịch, giấy tờ đều in những vấn đề này rồi. Do đó, tôi cho rằng nên để chứng minh thư thì thuận tiện hơn”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trịnh Kim Chi (Phú Yên) nhận xét: “Chi khoảng 650 tỷ đồng, để cất giữ 20 triệu thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới14 tuổi là vô lý, lãng phí, không nên. Theo tôi, nên quy định theo hướng trẻ sinh ra, bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu, đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo luật”.
Hữu Vinh