Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên hành lang, các đại biểu chỉ ra một số thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định này.
Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Cơ hội cho công đoàn bứt phá
Đây là cơ hội cho tổ chức công đoàn bứt phá bằng việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động, lấy lợi ích mà tổ chức công đoàn mang lại cho người lao động làm điểm tập hợp.
Việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động phải quyết liệt và mạnh mẽ, từ lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, đến lợi ích chính trị. Có như vậy, tổ chức công đoàn mới đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người lao động.
Bên cạnh đó, cũng có những thách thức liên quan đến việc người lao động dịch chuyển, việc làm bền vững. Khi hội nhập, sẽ có thực trạng một số doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh phải phá sản, dẫn đến người lao động bị mất việc làm.
Đây là những vấn đề phải nhìn nhận rõ để có những phương án tận dụng và phát huy lợi thế do CPTPP mang lại, đồng thời vượt qua thách thức đưa đất nước phát triển. Đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam phê chuẩn hiệp định rất tiến bộ trong số các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.
CPTPP cũng là cơ hội cải cách thể chế cho Việt Nam tương đối toàn diện, bởi CPTPP không chỉ có vấn đề thương mại, kinh tế, mà yêu cầu cả về cải cách thể chế, quy định pháp luật theo hướng công khai, minh bạch, có sự cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia CPTPP sẽ có sự cạnh tranh, trong đó có những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh, chính trị. Nếu chúng ta không quản lý một cách chặt chẽ và giữ vững ổn định chính trị thì sẽ rất phức tạp. Bài học Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan hay một số cuộc cách mạng màu xuất phát từ yếu tố này.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Thách thức ngay cả với những mặt hàng vốn là thế mạnh
Trong CPTPP có nguyên tắc 1 đổi 1. Muốn xuất khẩu sản phẩm sang một nước trong khối thì nguồn gốc nguyên liệu đầu vào phải sử dụng trong khối. Còn nếu sử dụng nguyên liệu ngoài khối thì chỉ được quyền xuất khẩu 1 sản phẩm trong khối và 1 sản phẩm ngoài khối.
Do đó, nếu chúng ta không thay đổi một số ngành đang được nhìn nhận là thế mạnh như dệt may, da giày thì sẽ không nắm bắt được cơ hội với CPTPP. Vì nguồn nguyên liệu hiện nay của Việt Nam chủ yếu phải nhập từ các nước ngoài khối. Đây chính là thách thức lớn nhất với Việt Nam.
Điều tích cực lớn nhất là thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng. Việt Nam đang có những sản phẩm có thế mạnh và sức cạnh tranh tốt cho thị trường này, như ngành da giày, dệt may, đồ gỗ.
Một lợi thế nữa là khi hiệp định này có hiệu lực, các nước khác sẽ phải dành tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao, có những nước lên tới 95%, thấp nhất như Mexico cũng tới 77,2%. Trong khi Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức là 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm.
Ví dụ, thịt lợn, thịt gà, ô tô… đây là những sản phẩm có sức cạnh tranh yếu sẽ có thời gian “vực dậy”. Điều này cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội và thời gian để thay đổi mô hình sản xuất trong nước, nâng cao trình độ về công nghệ, năng lực cạnh tranh.