Tình hữu nghị bền vững theo thời gian
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 11/1/1969) trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập, thống nhất. Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (từ tháng 8/1966). Tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Stockholm.
Việc hai nước lần lượt mở đại sứ quán tại Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Stockholm là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Thụy Điển, khẳng định tình đoàn kết gắn bó của Chính phủ và nhân dân hai nước trong những năm kháng chiến gian khổ.
Thụy Điển là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế; tài chính; ngân hàng; quản lý kinh tế; hành chính; luật pháp… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (PCA).
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967) với tổng viện trợ trên 3,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền... Điển hình là một số dự án hợp tác như: Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ); các dự án trồng rừng, cải cách hành chính về luật và thuế, như dự án hỗ trợ tư pháp... góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như thành công của Đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Điển đạt trên 1,4 tỷ USD, Thụy Điển xếp thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam đã đón khoảng 50 nghìn du khách Thụy Điển cho thấy dư địa mở rộng hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng.
Sau năm 2013, Thụy Điển chấm dứt cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi. Tuy nhiên, Thụy Điển tiếp tục viện trợ thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới… để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới…
Nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, văn hóa và giáo dục.
Hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực
Cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại hai nước cũng ngày càng tăng lên. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thụy Điển sang Việt Nam là máy móc và phụ tùng cho ngành công nghiệp và viễn thông. Trong khi đó, các sản phẩm nhập khẩu chính của Thụy Điển từ Việt Nam là nông sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện.
Đầu tư Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh thời gian qua, với 54 dự án có tổng số vốn đăng ký đạt 100,73 triệu USD (tính đến tháng 8/2017). Các dự án của Thụy Điển có mặt tại 7 tỉnh, thành là Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển đã sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux… Hãng sản xuất xe hơi Volvo và Hãng thời trang H&M của Thụy Điển đã mở cửa hàng tại Việt Nam…
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida), các lĩnh vực hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch, phát triển mạnh. Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành Văn hóa Việt Nam với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và báo viết của Việt Nam. Hai bên đã ký hai Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, nhạc kịch cũng đạt được những kết quả tích cực. Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã hợp tác với các trường âm nhạc Thụy Điển trong việc đào tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất phim, nâng cao kỹ năng đội ngũ giảng viên của Việt Nam.
Về giáo dục - đào tạo, Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sỹ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng hạt nhân…), công nghệ sinh học, y học, báo chí. Các trường đại học, viện nghiên cứu hai nước thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo và trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, học thuật (Đại học Y Hà Nội - Viện Karolinska; Đại học Bách khoa Hà Nội - Đại học Công nghệ Hoàng gia Stockholm, Đại học Lund, Đại học Umea, Đại học hàng hải Malmo…). Cuối năm 2013, Thụy Điển tuyên bố ưu tiên dành học bổng đào tạo đại học và sau đại học cho Việt Nam, mở ra cơ hội cho các sinh viên Việt Nam sang Thụy Điển học tập và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, một số trường đại học lớn của Thụy Điển như trường Đại học Uppsala đã liên kết với trường Đại học Quốc gia Hà Nội mở các khóa đào tạo tại Việt Nam. Các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn là những điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: Hiệp định về nguyên tắc và thủ tục chung cho hợp tác Việt Nam - Thụy Điển; Hiệp định tránh đánh thuế song trùng; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định hợp tác văn hóa; Hiệp định hợp tác về khoa học kỹ thuật; Hiệp định hợp tác vận tải hàng không…
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển và Phu quân cho thấy, Việt Nam coi trọng thức đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống với Thụy Điển; thể hiện coi trọng vai trò của Hoàng gia Thụy Điển, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Thụy Điển phát triển tích cực…