Trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Ðại dịch và các thách thức đối với hòa bình bền vững", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực cũng như vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống COVID-19; các cam kết của Việt Nam và kêu gọi tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế cùng ứng phó thành công đại dịch.
Tăng cường đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương
Thực tế cho thấy, ngay từ những ngày đầu tiên cũng như giai đoạn căng thẳng nhất khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu (cuối năm 2019-đầu năm 2020), Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn và đóng góp thiết thực vào nỗ lực chống lại đại dịch. Trong khả năng của mình, Việt Nam đã và đang sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế "Made in Viet Nam".
Với tinh thần quốc tế cao cả được kế thừa từ truyền thống lịch sử, Chính phủ và nhân dân Việt Nam mặc dù đang còn nhiều khó khăn, nhưng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ với 20 quốc gia, tổ chức quốc tế. Thực hiện phương châm "Giúp bạn là tự giúp mình", Việt Nam đã tặng "hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước"; tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm, Myanmar 50.000 USD để chung sức phòng, chống COVID-19; dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo.
Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Việt Nam đã tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD để phòng, chống dịch.
Đối với các đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình giúp đỡ Chính phủ các nước Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển… phòng, chống dịch COVID-19. Số hàng hỗ trợ gồm khẩu trang, vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam tự sản xuất, giúp các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, Văn phòng Nội các Nhật Bản, Văn phòng Nhà Trắng (Hoa Kỳ) mỗi nơi 50.000 khẩu trang y tế.
"Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành vì sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch COVID-19 ở Italy. Trong thời điểm nhiều thách thức này, tinh thần đoàn kết rộng mở đã được thể hiện ở nhiều cấp độ bởi Chính phủ và các tổ chức xã hội và là minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước chúng ta", Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio viết trong thư cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống COVID-19. Ngoại trưởng Italy nhấn mạnh: "Người dân Italy sẽ luôn ghi nhớ sự nghĩa hiệp và tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã thể hiện trong lúc cần thiết. Cùng đoàn kết, chúng ta sát cánh bên nhau. Cùng đoàn kết, chúng ta sẽ thành công".
Bên cạnh hoạt động trao tặng, viện trợ vật tư y tế, các nhà Lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục có các động thái, phát biểu hối thúc cộng đồng quốc tế, khu vực cùng chung tay chống lại "kẻ thù chung". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi thư tới các nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) kêu gọi chung tay chống dịch COVID-19. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh; chủ trì Hội đồng điều phối ASEAN để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác để ứng phó dịch bệnh; tổ chức Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19; khởi động cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3); tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp cao trực tuyến phong trào không liên kết về phòng, chống dịch bệnh…
Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chống dịch
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu, Việt Nam xác định không thể "tự đốt đuốc, dò đường" đi một mình mà cần phải có sự chia sẻ, phối hợp, cập nhật thông tin, kinh nghiệm chống dịch, kết quả nghiên cứu vaccine với các nước trên thế giới.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã cùng các nước như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Australia, New Zealand… tiến hành nhiều cuộc điện đàm ở các cấp khác nhau, với số lượng kỷ lục chưa từng có trong hoạt động ngoại giao của nước ta. Trong đó, Việt Nam cùng các nước tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, tại khu vực và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong công tác bảo hộ công dân, cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, duy trì giao thông và giao thương cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước, đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các công ty, các đối tác sản xuất và cung cấp vaccine có uy tín trên thế giới nhằm có vaccine COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Việt Nam vẫn thường xuyên trao đổi, cập nhật tình hình với các đối tác, mong muốn sớm có vaccine, thuốc và phác đồ điều trị, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xây dựng các chính sách và quy định để hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine được thực hiện một cách nhanh chóng ngay khi có vaccine COVID-19.
Trước đó, vào tháng 4, trong cuộc cuộc điện đàm lần thứ 3 với lãnh đạo ngoại giao các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand về tình hình dịch COVID-19, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã đề nghị Chính phủ các nước tiếp tục có các cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vaccine và thuốc chữa trị COVID-19 nếu nghiên cứu thành công.
Trong vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tích cực phối hợp với các quốc gia thành viên khác thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết, văn kiện nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với COVID-19; kêu gọi chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế; ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia.
Đặc biệt, ngày 7/12/2020, tại phiên họp toàn thể ở New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, lấy ngày 27/12 hàng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh". Đề xuất của Việt Nam đã được 5 nước tham gia đồng tác giả (Canada, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Senegal, Tây Ban Nha) và 107 nước đồng bảo trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng khi đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm vào công việc chung của Liên hợp quốc và thúc đẩy các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm.
Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng về chủ đề này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia, đồng thời sẽ góp phần nâng cao nhận thức của tất cả các quốc gia, người dân và cộng đồng quốc tế cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống, ứng phó với các loại dịch bệnh, trong đó có đại dịch COVID-19.
Nâng cao sức kháng chịu, thích ứng của nền kinh tế
Đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ví dụ rõ ràng nhất là sụt giảm đột ngột tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7% năm 2019, xuống còn ước đạt trên 2%.
Trong bối cảnh đó, ngoại giao Việt Nam xác định thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động ngoại giao nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngoại giao kinh tế, trọng tâm là phối hợp chính sách và biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định thị trường tài chính và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
"Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, tháng 5/2020.
Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế.
Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp, phối hợp quốc tế nhằm phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng COVID-19 như: bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics…; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên nhất trí nhiều sáng kiến và hợp tác ứng phó COVID-19 như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19; kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực; khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi; Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 15 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.
Với những nỗ lực và thành quả đã đạt được trên mặt trận ngoại giao, hợp tác quốc tế phòng, chống đại dịch COVID-19, Việt Nam tin tưởng, trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân.