Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc.
Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc đối với việc xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế về thương mại?
Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc là cơ quan chuyên môn của Ủy ban pháp lý của Đại hội đồng Liên hợp quốc, được Đại hội đồng Liên hợp quốc lập ra từ năm 1966 với mục đích thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Theo quy chế hiện nay, Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc bao gồm 60 quốc gia thành viên do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra, nhiệm kỳ 6 năm, bầu cử 3 năm một lần để bầu một nửa số thành viên. Các nước thành viên được bầu trên cơ sở có tính đến sự cân đối về các yếu tố như khu vực địa lý, hệ thống kinh tế và pháp luật.
Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc bao gồm các Nhóm công tác về các lĩnh vực chuyên môn, tổ chức họp thường niên của từng Nhóm và Kỳ họp thường niên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhằm thảo luận và thông qua các khuyến nghị của các Nhóm công tác, đệ trình lên Đại hội đồng thông qua các khuyến nghị, trong đó có dự thảo Công ước quốc tế, dự thảo nghị quyết về vấn đề trọng tài, hòa giải tranh chấp thương mại, đầu tư...
Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc đã thúc đẩy, cho ra đời một khối lượng đồ sộ các Công ước quốc tế (trong đó có những Công ước rất quan trọng như Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Mauritius năm 2014 về minh bạch hóa…), các Luật mẫu, Hướng dẫn trong nhiều lĩnh vực của pháp luật thương mại quốc tế, làm nền tảng cơ bản thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển, được các quốc gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư, trọng tài viên trên toàn thế giới đã và đang áp dụng.
Việc trở thành thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình thúc đẩy hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các Hiệp định thương mại tự do như hiện nay?
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức bỏ phiếu bầu thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2025, do số lượng ứng viên năm nay nhiều hơn số vị trí cần bầu, thể hiện sự quan tâm gia tăng của các quốc gia trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế.
Nhìn nhận và ủng hộ vai trò quan trọng của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2025 xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương của Đảng ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nói chung.
Sự kiện Việt Nam ứng cử thành công, được bầu làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2025 là một bước đi mới trong lĩnh vực pháp lý quốc tế khẳng định Việt Nam đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam mà ở đây là hội nhập pháp lý đa phương, vận dụng và tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.
Việc Việt Nam thắng cử tại cuộc bầu cử năm nay, lần đầu tiên trở thành thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, cùng với việc ứng cử viên của Việt Nam thắng cử năm 2016 được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021, thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác sâu rộng của Việt Nam với các nước.
Sự ủng hộ cao của các nước trên thế giới dành cho ta trong hai cuộc bầu cử này cũng cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao thành tựu nước ta đạt được, uy tín, sự đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp lý quốc tế. Đây cũng là sự khích lệ đối với những người làm công tác pháp lý quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam đang chủ động, tích cực tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện hàng loạt các Hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, trong đó có các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), đòi hỏi không ngừng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam đã và đang tham gia Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc với vai trò quan sát viên. Với việc trở thành thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, các bộ, ngành, chuyên gia pháp lý của Việt Nam sẽ có điều kiện để phát huy hiệu quả hơn nữa các văn kiện và sáng kiến của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các thách thức như, thông qua việc giải quyết các thách thức như: Hoàn thiện pháp luật về thương mại, triển khai các cam kết về tự do hóa thương mại, đầu tư nước ngoài; Bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Đổi mới chính sách, hoàn thiện cơ chế, triển khai các biện pháp đồng bộ và nhất quán để thu hút đầu tư có chất lượng; Phòng ngừa khiếu nại, tranh chấp và giải quyết thỏa đáng các khiếu nại, tranh chấp thương mại, đầu tư…
Việc tham gia Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia pháp lý quốc tế, nhất là thuộc lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế, để có thể sánh ngang tầm với cán bộ, chuyên gia pháp lý quốc tế của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Hiện nay trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, nhiệm vụ rất lớn đặt ra là vừa đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế vừa đảm bảo quyền lợi của mình. Việt Nam tham gia thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế, có điều kiện tham gia sâu hơn vào quá trình thảo luận xem xét vào các vấn đề mà các quốc gia và các doanh nghiệp cũng như cá nhân đặt ra trong các hoạt động của quốc tế.
Từ đó chúng ta có tiếng nói sớm hơn và sâu hơn đối với các văn bản, văn kiện pháp lý được xem xét. Do đó chúng ta có được những đóng góp không chỉ vào công việc chung về Luật thương mại quốc tế mà chúng ta đảm bảo được lợi ích chính đáng của mình. Ngay như hiện nay, một trong những vấn đề đang được quan tâm, đó là vấn đề cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và một quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những điểm đến với tổng lượng đầu tư nước ngoài lớn. Như thế trong quá khứ cũng như trong tương lai sẽ xảy ra những tranh chấp giữa các nhà đầu tư và quá trình của Việt Nam. Do đó quá trình cải tổ này có hiệu quả là rất quan trọng.
Xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch sắp tới của Việt Nam khi làm thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025?
Việt Nam đã tích cực tham gia một số Công ước quốc tế, áp dụng nhiều luật mẫu, quy tắc do Ủy ban Luật thương mại quốc tế xây dựng, qua đó giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam về thương mại. Những năm gần đây, mặc dù chưa là thành viên chính thức của Ủy ban Luật thương mại quốc tế, Việt Nam đã từng bước tích cực tham gia Ủy ban Luật thương mại quốc tế với tư cách quan sát viên, tham dự và đóng góp tích cực tại các phiên họp, thảo luận trong một số Nhóm công tác của Ủy ban Luật thương mại quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động của Nhóm 2 về Giải quyết tranh chấp, Nhóm 3 về Cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư và Nhóm 5 về Luật phá sản.
Nay, với tư cách là thành viên chính thức của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào công việc của các Nhóm công tác và thảo luận xây dựng và thông qua các khuyến nghị của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc.
Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia thảo luận, đóng góp xây dựng các văn kiện của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, chia sẻ kinh nghiệm với đại diện các nước, đồng thời ta có thêm quyền bỏ phiếu thông qua, phản đối thông qua văn kiện cuối cùng của Nhóm công tác, của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, tham gia ứng cử hay bầu các vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban; Chủ tịch, Phó Chủ tịch của các Nhóm Công tác thuộc Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc; được tham dự vào các cuộc họp trong Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương hoặc giữa các Nhóm khu vực để cùng thảo luận, thông qua những quan điểm chung.
Như vậy, trở thành thành viên chính thức Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc là cơ hội để ta tham gia đóng góp tích cực hơn, chủ động hơn vào các công việc của Ủy ban này, tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn thảo luận, đàm phán theo hướng phù hợp với lợi ích của ta.
Bên cạnh cơ hội, việc trở thành thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc cũng đặt ra thách thức đối với các bộ, ngành của ta, vì phải chủ động bố trí nhân lực, nguồn lực để tham gia, đặc biệt là cần có cán bộ, chuyên gia pháp lý, đối ngoại có chuyên môn sâu, có kỹ năng đối ngoại đa phương, có đủ năng lực để tham gia, đóng góp có chất lượng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam tại các Diễn đàn đa phương.
Đồng thời, các cơ quan, tổ chức đào tạo, nghiên cứu, thực hành pháp luật cần chủ động để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc để phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, soạn thảo và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, cũng như cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp về thương mại, đầu tư quốc tế.
Trước mắt, ngay từ thời điểm này, Bộ Ngoại giao đang xây dựng Đề án tham gia Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc năm 2019 và giai đoạn 2019-2025, cụ thể: chuẩn bị sớm nội dung tham gia các cuộc họp của các Nhóm công tác trong Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc trong năm 2019; kế hoạch tăng cường bố trí cán bộ phụ trách các công việc liên quan đến Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc; tổ chức hội thảo, tọa đàm để phổ biến rộng rãi, trao đổi các kết quả thảo luận trong Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc cho các Bộ, ngành liên quan, giới học giả…
Điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh nội luật của ta sử dụng khá nhiều Luật mẫu, văn bản hướng dẫn của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc như: Luật trọng tài thương mại, Nghị định về hòa giải thương mại, Luật giao dịch thương mại điện tử…
Về lâu dài, để bảo đảm sự tham gia thực chất, hiệu quả, việc đầu tư đào tạo cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế trong nội bộ Bộ Ngoại giao nói riêng và tại các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… cần được tăng cường hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!