Lễ trình quốc thư được tiến hành trọng thể tại Phủ Tổng thống Sheetal Niwas. Tham dự buổi lễ có Ngoại trưởng Nepal, Tổng Tư lệnh quân Lục quân, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, Thứ trưởng Ngoại giao cùng nhiều quan chức khác.
Trong buổi hội kiến với Tổng thống sau khi trình quốc thư, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Nepal. Đại sứ bày tỏ vinh dự được sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Nepal - quốc gia với nền văn hóa lịch sử lâu đời và quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cảm ơn Tổng thống và Chính phủ Nepal đã dành cho Đại sứ cùng đoàn tháp tùng sự đón tiếp trọng thị, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả.
Sau đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tới chào Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli. Đại sứ gửi lời chào và lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mời Ngài Thủ tướng Nepal sang thăm và tham dự Đại lễ Phật đản (Vesak) vào tháng 5 tới tại Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng đã tới chào xã giao các quan chức cấp cao của Nepal trong đó có Chủ tịch Hạ viện, Ngoại trưởng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Trong các buổi tiếp, lãnh đạo Nepal bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu phát triển kinh tế nhanh chóng và vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, xem đó như là hình mẫu để Nepal học tập. Thủ tướng Nepal bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem Người như nhà lãnh đạo giản dị nhất trên thế giới, là người thầy giáo mà ông luôn kính trọng.
Lãnh đạo Nepal đều bày tỏ vui mừng về những tiến triển trong quan hệ hai nước sau 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/1975 - 5/2019), khẳng định với những tương đồng về văn hóa cũng như tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước, hai bên có thể thúc đẩy quan hệ phát triển sôi động và thực chất hơn trong thời gian tới.
Phía bạn cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam cũng như cá nhân Đại sứ về kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa cũng như phát triển nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, có giá trị xuất khẩu cao.
Về phần mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Nepal; bày tỏ vui mừng quan hệ hai nước liên tục được duy trì và củng cố trong những năm gần đây, đặc biệt là hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng Cộng sản cầm quyền của hai nước.
Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp và tin cậy, Đại sứ bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy sớm ký bản ghi nhớ miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, thiết lập cơ chế tham khảo chính trị và các cơ chế hợp tác khác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, hàng không để tạo cơ sở pháp lý và tiền đề vững chắc, thúc đẩy hơn nữa hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng bày tỏ mong muốn phía Nepal tạo điều kiện thuận lợi cho những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nepal.
Bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như giao lưu nhân dân ngày được tăng cường, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nepal đang trên đà phát triển. Theo số liệu của Văn phòng Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Kathmandu, kim ngạch thương mại hai chiều song phương trong năm 2017 đạt 97 triệu USD.
Trong cán cân thương mại với Nepal, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nepal gồm: hạt tiêu, chất dẻo, nước uống đóng chai, sản phẩm hóa chất, máy vi tính, điện tử, cơm dừa, cao su, gạo, linh kiện ô tô, sản phẩm dệt may, hàng đông lạnh…; nhập khẩu với số lượng rất ít nguyên liệu dệt may, da và giày.
Hiện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thiết lập Văn phòng liên lạc tại Nepal.
Về du lịch, lượng người Việt Nam đi du lịch Nepal có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, thông qua các loại hình như du lịch hành hương, tâm linh, leo núi và mạo hiểm. Năm 2017, hơn 7.000 lượt người Việt Nam đến Nepal. Với việc Nepal đang xây dựng sân bay quốc tế ở Thánh địa Phật giáo Lumbini, hai bên hy vọng lượng khách du lịch Việt Nam đến Thánh địa Phật giáo sẽ tăng lên nhanh chóng.
Hiện có khoảng 50 người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Kathmandu. Đây là một cộng đồng gắn kết, tương trợ lẫn nhau và tuân thủ pháp luật Nepal.