Theo Đặc phái viên TTXVN, tối 27/10, phát biểu tại Diễn đàn Thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ tới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Thủ tướng vui mừng thông báo Tập đoàn TATA và Bộ Công thương Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT) xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD. Đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam hiện nay và là tín hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Ấn Độ đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo tiếp theo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2007, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh; hợp tác kinh tế; hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa và khoa học công nghệ.
Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của mình và Việt Nam luôn coi quan hệ Đối tác Chiến lược với Ấn Độ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại quốc gia. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế năng động, đang vươn lên mạnh mẽ ở châu Á. Đây chính là những nền tảng quan trọng để quan hệ giữa hai nước thêm gắn bó, cùng nhau chia sẻ các cơ hội và tiềm năng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.
Để nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước lên một tầm cao mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần phát huy tối đa các cơ chế song phương và đa phương sẵn có để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. Đó là triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác mà hai bên đã ký kết như: Hiệp định thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Lãnh sự, Du lịch, Hàng hải thương mại, Dịch vụ hàng không… Đồng thời, hai nước cần phối hợp lợi ích chung trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Ấn Độ, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, hình thành một thị trường chung với dân số 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 2.500 tỷ USD có tự do di chuyển của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập thị trường ASEAN. Bên cạnh việc thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EVFTA), Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định thương mại tự do đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhìn tổng quan với triển vọng hoàn tất các hiệp định thương mại tự do này trong thời gian 1-2 năm tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn. Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đến Việt Nam kinh doanh, đầu tư và cùng chia sẻ những lợi thế của thị trường Việt Nam và cơ hội tiếp cận thị trường các đối tác của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng nền kinh tế hai nước có nhiều nét tương đồng, đồng thời có những thế mạnh riêng, có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau cùng phát triển. Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam trong các ngành như dệt may, da giày, chế tạo máy…, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường của Ấn Độ như hàng tiêu dùng, hàng điện tử, nông thủy sản, sản phẩm gỗ,...
Doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hai bên có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện, dầu khí, chế biến nông thủy sản. Việt Nam mong muốn các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ như TATA, IL&FS, ESSAR, GMR tham gia phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác du lịch song phương, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh và du lịch văn hóa…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ tới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 7 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, kim ngạch thương mại tăng 3,4 lần, năm ngoái đạt 5,24 tỷ USD. Hai nước đã đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm sau và lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, tính tới tháng Chín vừa qua, Ấn Độ có 84 dự án đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 260 triệu USD.
Với trên 300 doanh nghiệp hai nước tham dự Diễn đàn Thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp Ấn Độ liên quan về những chính sách đầu tư của Việt Nam.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
TTXVN/Tin Tức