Đại sứ Phan Kiều Thu và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. Ảnh: Colombopage.com |
Kế hoạch Colombo - có tên gọi đầy đủ là “Kế hoạch Colombo vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - là sáng kiến của Anh tại Hội nghị ngoại trưởng các nước Khối Thịnh vượng chung tại Colombo (Sri Lanka) tháng 1/1950 và chính thức đi vào hoạt động từ 1951. Kế hoạch Colombo được coi là một "Kế hoạch Marshall" thứ hai ở châu Á, với mục tiêu giúp các nước thành viên phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và bình đẳng giới.
Kế hoạch Colombo bao gồm 27 thành viên chính thức là diễn đàn để các nước thành viên thảo luận các nhu cầu phát triển, chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và giúp đỡ các nước kém phát triển trong khu vực. Phương thức hoạt động chủ yếu của Kế hoạch Colombo là tổ chức các khóa đào tạo, giúp các nước thành viên phát triển nguồn nhân lực.
Hiện Kế hoạch Colombo đang triển khai 4 chương trình lớn gồm: Chương trình tư vấn chống ma túy (DAP), Chương trình Hành chính công và Môi trường (PPA&ENV), Chương trình Hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân (PPSD), Chương trình Đào tạo dài hạn (LTSP).
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Kế hoạch Colombo vào năm 2003 đến nay, Việt Nam đã cử gần 400 cán bộ tham gia các khóa đào tạo thuộc các chương trình hợp tác của Kế hoạch Colombo như chương trình Tư vấn phòng chống ma túy, đào tạo hành chính công, tập huấn phát triển năng lực thành phần kinh tế tư nhân, sức khỏe sinh sản, môi trường. Đại diện của Việt Nam cũng từng được chọn làm Giám đốc DAP, vị trí quan trọng, đứng thứ 2 ngay sau Tổng thư ký trong Ban thư ký Kế hoạch Colombo.