Riêng tại cơ quan quyền lực nhất của LHQ chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam sẽ là Chủ tịch HĐBA ngay tháng 1/2020, tức là không có thời gian để Việt Nam theo dõi và “tập sự” cho các thành viên mới như tại nhiệm kỳ 2008-2009 trước đây. Nhiệm vụ này là thách thức rất lớn trong tình hình quốc tế và tại LHQ diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.
Theo quy định chung, các ủy viên không thường trực đều có thời gian quan sát vận hành của HĐBA trước khi chính thức tham gia, nhất là khi phải đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam sẽ tiếp nhận trách nhiệm Chủ tịch HĐBA đầy sóng gió và phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên đó để vững vàng hoàn thành nhiệm kỳ 2 năm ủy viên không thường trực 2020-2021.
Khi một nước đảm nhiệm vai trò ủy viên HĐBA, đội ngũ tham gia công tác trực tiếp tại HĐBA sẽ gặp nhiều khó khăn, ngày đêm xử lý công việc trong mối quan hệ quốc tế hết sức phức tạp và nhạy cảm như hiện nay.Ví dụ như trong tháng 11/2019 đã có trên 40 hoạt động chính thức kèm theo những hoạt động hành lang bất kể ngày đêm, địa điểm khác nhau, báo cáo và nhận chỉ thị từ trong nước, với nội dung liên quan trực tiếp tới hòa bình, an ninh quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Mỗi ủy viên HĐBA phải tổ chức mạng lưới chuyên viên phụ trách các lĩnh vực, địa bàn khác nhau để đảm bảo chất lượng tham gia.
Nhưng khó nhất đối với một quốc gia khi đảm đương vai trò Chủ tịch HĐBA là phải dung hòa quan điểm của các quốc gia khác nhau tại HĐBA, đồng thời đề cao vai trò kiến tạo của HĐBA dù có nghị quyết hay không, tránh sự phủ quyết của 1 trong 5 ủy viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp).
Đối với Việt Nam, điều thuận lợi cơ bản là luôn gắn bó lợi ích quốc gia trong lợi ích chung của nhân loại. Đây là một cơ hội nữa “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” giúp Việt Nam vượt qua thử thách và đóng góp cho đất nước và cộng đồng quốc tế.
Nhớ lại lịch sử, năm 1919, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hội quốc liên (tiền thân của Liên hợp quốc) họp ở Versailles (Pháp), Hồ Chủ tịch, khi ấy mang tên là Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho các nhân sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường... gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đòi quyền dân tộc tự quyết, mở đầu cho cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa. Tiếp sau đó, Hồ Chủ tịch dù ở Paris (Pháp), Moskva (Nga) hay Trung Quốc và mọi nơi khác, trong hoàn cảnh khác nhau đều tận dụng mọi cơ hội để vận động phong trào tiến bộ trên thế giới ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền 1789 của Pháp, khẳng định mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó cũng là nội dung chủ yếu của Hiến chương mà LHQ ngày nay đang nỗ lực phấn đấu cho hỏa bình và phát triển vì lợi ích của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ.
Sau này, cuối năm 1954, khi về tiếp quản trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, các nhà ngoại giao Việt Nam đã tìm thấy trong tài liệu Pháp để lại có thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội đồng LHQ khóa I họp ở London tháng 2/1946 để xin gia nhập LHQ. Năm 1977, Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 149 của LHQ.
Kể từ đó, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Việt Nam vẫn kiên định đường lối độc lập tự chủ và tích cực cải thiện quan hệ với các cường quốc, Việt Nam nhanh chóng xây dựng quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia, trở thành thành viên tích cực trong ASEAN và tại LHQ, gắn bó lợi ích quốc gia với hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới.
Ít có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua lịch sử khó khăn và chiến tranh ác liệt như Việt Nam. Nhưng cũng hiếm có nước nào lại có thể gác lại quá khứ, hàn gắn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các "cựu thù" như dân tộc Việt Nam. Điều đó đã minh chứng thiện chí của Việt Nam trong hòa giải và hợp tác để cải thiện quan hệ quốc tế hiện nay. Chính vì vậy, Việt Nam không phải là nước lớn hoặc giàu mạnh, nhưng có thể tham gia đáng tin cậy nhất tại HĐBA LHQ.
Bất kể nước nào, dù giàu mạnh đến đâu, cũng không thể đơn phương bơi ngược dòng lịch sử của nhân loại. Các nước trước sau phải hợp tác duy trì lợi ích và cuộc sống chung. Ngoại giao đa phương sẽ thắng thế. Việt Nam gắn bó với ngoại giao đa phương và sẵn sàng đóng góp như đã từng hy sinh đóng góp cho hòa bình và phát triển của nhân loại và của chính mình. Điều đó tạo cơ sở để tin rằng các dân tộc khác cũng chia sẻ giá trị chung này và phối hợp để Việt Nam đóng góp xứng đáng tại LHQ.