Sau đây, TTXVN xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Thưa Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chuyến thăm chính thức CHLB Myanmar, xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả nổi bật đạt được trong các chuyến thăm lần này?
Chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, kết quả chuyến thăm tạo tiền đề quan trọng để hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện phát triển lên tầm cao mới. Phía Myanmar dành cho Thủ tướng Chính phủ nghi thức cao nhất của một chuyến thăm chính thức. Thủ tướng Chính phủ đã hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, hội kiến Tổng thống Win Myint và Chủ tịch Quốc hội, tiếp Thủ hiến vùng Yangon Phyo Min Thein và Chủ tịch Hội hữu nghị Myanmar - Việt Nam, thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Myanmar, thăm một số doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu (gồm BIDV, Mytel và Thaco Trường Hải) và dự lễ khai trương văn phòng HD Bank tại Yangon, với một số kết quả chính nổi bật như sau:
Thứ nhất, về chính trị đối ngoại, các Lãnh đạo Bạn đều tự hào nhắc lại nhiều lần truyền thống lịch sử của quan hệ hai nước từ thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San, nhấn mạnh hai nước đã thực sự bắt đầu quan hệ trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao thông qua việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao từ rất sớm (Thủ tướng U Nu thăm Việt Nam năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanamr năm 1958); khẳng định Myanmar luôn xem Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy; mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ trên cơ sở quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện tốt đẹp hiện nay, phối hợp chặt chẽ để cùng vượt qua các thách thức chung.
Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao, tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ký và trao 4 văn kiện, trong đó có Chương trình Hành động giai đoạn 2019-2024, một văn kiện quan trọng nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - Myanmar trong 5 năm tới. Đây là kết quả của những nỗ lực của cả hai bên trong thời gian qua.
Thứ hai, về kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính. Đây là lĩnh vực ta đặc biệt quan tâm thúc đẩy trong chuyến thăm. Phải thừa nhận rằng, từ sau khi Myanmar tiến hành mở cửa và cải cách, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng mạnh, từ 152 triệu USD năm 2010 lên gần 860 triệu USD năm 2018 và ước đạt 1,05 tỷ USD trong năm 2019, sớm vượt mục tiêu 1 tỷ USD năm 2020. Hiện Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Myanmar với 25 dự án lớn với gần 2,2 tỷ USD vốn đầu tư.
Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam cần xin giấy phép; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Myanmar; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam, xem xét đáp ứng thuận lợi và phù hợp các đề nghị của các doanh nghiệp Việt Nam về viễn thông, khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị và giao thông vận tải. Cũng trong dịp này, hai bên đã trao đổi về khả năng thành lập một Khu Công nghiệp Việt Nam tại Myanmar nhằm thu hút hơn nữa đầu tư của Việt Nam vào Myanmar.
Thứ ba, về quốc phòng-an ninh, hai bên nhất trí nghiên cứu mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, quản lý biên giới; tăng cường hợp tác phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có buôn bán ma túy; sớm đàm phán, ký kết các thỏa thuận về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù...
Thứ tư, về các vấn đề khu vực và quốc tế, Myanmar chúc mừng Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021 với số phiếu cao gần như tuyệt đối; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhằm duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định ủng hộ lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; duy trì tự do, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Thứ năm, lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến thăm, động viên các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar như Công ty viễn thông Mytel, Tập đoàn Thaco, Ngân hàng BIDV và dự lễ khai trương văn phòng ngân hàng HD Bank tại Yangon. Điều này giúp khích lệ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, tạo ra công ăn việc làm, góp phần xây chắc “chất keo dính” trong quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Xin Thứ trưởng cho biết về phương hướng phát triển quan hệ thời gian tới khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao?
Trong năm 2020, hai bên sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2020). Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã có từ rất lâu. Trước khi ta giành độc lập và hai bên lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã có sự gắn bó khăng khít, ủng hộ mạnh mẽ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhau và ngay trong suốt quá trình vừa qua, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai nước luôn bày tỏ sự ủng hộ, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
Chuyến thăm này một lần nữa củng cố sự tin cậy cao giữa hai bên, đặc biệt tình cảm hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Chuyến thăm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay trước thềm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020, càng tăng thêm ý nghĩa vì nó không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, mà còn tăng cường sự chia sẻ, thông cảm, ủng hộ nhau trong quá trình tham gia hợp tác khu vực mà đặc biệt là củng cố sự hợp tác trong ASEAN ngày càng mạnh mẽ thêm.
Để triển khai kết quả đạt được của chuyến thăm, việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp cần được tích cực thúc đẩy nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị tốt đẹp và tin cậy chính trị. Các cơ chế song phương phải duy trì đều đặn và phát huy hiệu quả, nhất là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương và Tiểu ban hỗn hợp thương mại.
Dịp kỷ niệm 45 năm là cơ hội tốt để các bộ, ngành, địa phương hai nước rà soát, nhìn lại quan hệ hợp tác và đề xuất các biện pháp để đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và thực chất hơn, hướng tới tầm cao mới; các tổ chức, đoàn thể hai nước cần đề xuất nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, tuyên truyền hơn nữa về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Với tiềm năng của cả hai bên, sự tin cậy cao, tình đoàn kết hữu nghị và quyết tâm của hai bên, tôi tin tưởng hai nước sẽ có cơ hội hợp tác lớn và đạt được kết quả tích cực trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!