Nghị quyết nêu rõ, xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại như sau:
Khu vực xã Hồng Thủy giáp ranh giữa xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và xã A Bung, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị nằm trên 6 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000, hệ tọa độ quốc gia VN-2000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản năm 2009 (kèm theo), có phiên hiệu là: E-48-95-A-c-2, E-48-95-A-c-1, E-48-95-A-a-3, E-48-95-A-a-4, E-48-95-A-b-3, E-48-95-A-b-1.
Đường địa giới hành chính được xác định khởi đầu từ đỉnh núi cao 1064,1m (trên biên giới Việt Nam - Lào) theo hướng Bắc - Tây Bắc đi theo khe, giữa suối Pa Ay đến giao điểm giữa suối Pa Ay và khe (phía Tây mỏm núi cao 365,5m) chuyển hướng Tây đi giữa khe rồi theo sống núi đến đỉnh cao 655,3m, chuyển hướng Tây Bắc theo sống núi qua các đỉnh cao 586,3m, 573,3m, đến đỉnh núi cao 544,1m chuyển hướng chính là hướng Tây, tiếp tục đi theo sống núi qua các đỉnh cao 455,8m, 426,5m, 344,9m gặp khe Ky Chom rồi chuyển hướng Bắc - Tây Bắc đi giữa khe Ky Chom gặp suối Pa Ay, chuyển hướng Tây - Tây Bắc đi theo suối Pa Ay gặp ngã ba suối (phía Tây Nam mỏm núi cao 308,4m), chuyển hướng Bắc - Đông Bắc đi giữa khe, theo sống núi qua đỉnh cao 494,9m rồi theo khe đến giữa sông Đa Krông theo hướng Đông Bắc đến cống thoát nước giữa thôn Tru Pỉ và thôn Cựp, chuyển hướng Bắc đi theo khe đến các đỉnh cao 356,9m, 453,5m, 526,6m, 559,0m, 558,2m đến mỏm núi (phía Đông Nam đỉnh cao 678,0m), chuyển hướng Đông Nam đi theo sống núi cắt qua sông Đa Krông gặp đường Hồ Chí Minh, theo hướng chung Đông Nam, đi giữa đường Hồ Chí Minh đến đỉnh đèo Pê Ke, theo hướng Đông rồi hướng Bắc đi theo sống núi đến đỉnh cao 1404,0m (động Ca Cút).
Khu vực thôn Câu Nhi giáp ranh giữa các xã Phong Thu, Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và các thôn Tân Lập xã Hải Ba, Phú Xuân B (Tân Xuân) xã Hải Xuân, Phú Kinh Phường xã Hải Hòa, Câu Nhi xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm trên 2 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000, hệ tọa độ quốc gia VN-2000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản năm 2009 (kèm theo), có phiên hiệu là: E-48-83-D-c-1, E-48-83-D-c-2.
Đường địa giới hành chính được xác định khởi đầu từ ngã ba địa giới 3 xã: xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và xã Phong Thu, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, được đánh dấu trên thực địa bằng mốc bê tông ba mặt cấp xã có số hiệu (HC-PT-PM)3X.1 (tại đỉnh cao 35,9m), theo hướng Đông Nam và Đông Bắc đi theo sống núi, qua suối và qua các đỉnh cao 31,6m, 56,1m, 84,2m, 63,2m, 36,9m đến đầu khe, theo hướng Bắc - Tây Bắc và Đông Bắc đi theo chân đồi và ruộng lúa đến hồ Bàu Thuốc, chuyển hướng Đông đi giữa hồ Bàu Thuốc rồi chuyển hướng Tây Bắc và Đông - Đông Nam đi theo ranh giới giữa ruộng và khu dân cư đến Quốc lộ 1A, theo hướng Tây Bắc đi giữa Quốc lộ 1A rồi chuyển hướng Đông Bắc đi theo ranh giới khu dân cư đến mốc bê tông hai mặt (là điểm địa giới hai tỉnh đã thống nhất).
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết này; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Quảng Trị xác định cụ thể đường địa giới hành chính trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để quản lý.
Căn cứ đường địa giới hành chính đã được xác định tại thực địa và trên bản đồ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7) thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị thực hiện bàn giao để tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Phú Xuân B (Tân Xuân) xã Hải Xuân và thôn Phú Kinh Phường xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.