Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu và phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, Brunei, Lào và Myanmar, Campuchia, Việt Nam). ASEAN đã bước sang năm thứ tư và là giai đoạn giữa kỳ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với trọng tâm là triển khai các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột (Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội); mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI).
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), ở Bangkok, Thái Lan, đánh giá cao kết quả 4 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, gắn kết, tăng cường hợp tác nội khối, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ đối ngoại, qua đó ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch nhanh chóng trong cục diện chiến lược khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất ASEAN tiến hành kiểm điểm giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, thúc đẩy hợp tác xã hội, bảo vệ môi trường.
Cũng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tiếp tục triển khai các định hướng, sáng kiến xây dựng ASEAN tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững. Biển Đông luôn là nội dung được trao đổi tại các Hội nghị ASEAN. Tại Hội nghị lần này, những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm của các nước. Các Bộ trưởng thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm có được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững. Phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị về vấn đề này rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị, vì thế đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước.
Đến nay, ASEAN đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trên cả ba trụ cột Cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên tiếp tục ổn định, dự kiến GDP năm 2019 đạt 4,9%, tổng GDP ước đạt 3000 tỷ USD.
Năm 2019, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và liên kết với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được các năm trước đó. Về Chính trị-An ninh, ASEAN tập trung nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh mạng; tăng năng lực ngoại giao phòng ngừa, thúc đẩy hợp tác quản lý biên giới, hợp tác biển, hợp tác ngoại giao và quốc phòng, an ninh bền vững... Về Kinh tế, ASEAN tập trung vào số hóa, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, phát triển kinh tế bền vững, hoàn tất đàm phán RCEP, gắn kết các sáng kiến kết nối trong khu vực. Về Văn hóa-Xã hội, ASEAN thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân và đảm bảo an ninh con người, thông qua các chương trình hợp tác về phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy giáo dục suốt đời, đề cao bản sắc văn hóa ASEAN, thúc đẩy hợp tác thích ứng với già hóa dân số, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, ASEAN tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng, hợp tác cùng có lợi với các đối tác, chủ động củng cố các cơ chế do ASEAN khởi xướng và chủ trì, đóng góp tăng cường cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Theo đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 22, tháng 1/2019, ASEAN và EU đã nhất trí về nguyên tắc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Đồng thời, ASEAN tích cực triển khai cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược với Nga; tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Việt Nam (tháng 6/2019); tích cực chuẩn bị cho Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc (tháng 11/2019); triển khai hợp tác theo Chủ đề Năm truyền thông ASEAN-Trung Quốc 2019... ASEAN đã thông qua Tài liệu quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, coi đây là cơ sở để phát huy khả năng tự cường và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Tích cực chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, tích cực đóng góp thúc đẩy quá trình mở rộng và hoàn tất ý tưởng ASEAN bao gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á. Việt Nam phối hợp cùng các nước thành viên xây dựng những định hướng, quyết sách quan trọng của ASEAN như: Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997) và Tầm nhìn ASEAN 2025 (năm 2015); Chương trình hành động Hà Nội (năm 1998); Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (năm 2003) hình thành Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN (năm 2007), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015); Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển.
Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam cũng đảm nhiệm thành công các nhiệm vụ luân phiên quan trọng trong ASEAN như: Chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 (năm 1998), Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (2000-2001), nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, điều phối tích cực quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác quan trọng như: Hoa Kỳ, Nga, EU, Ấn Độ và hiện nay là Nhật Bản. Việt Nam cũng đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành, mở rộng và củng cố các thể chế do ASEAN chủ trì như: Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...
Việt Nam luôn đề cao đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, thúc đẩy xây dựng lòng tin và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì như: Cấp cao Đông Á-EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN- ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng - ADMM+ ...; tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với các vấn đề tác động đến hòa bình, an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.
Là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với tỷ lệ 95,5%, đứng thứ hai sau Singapore, Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng, triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối và giữa ASEAN với các Đối tác; đóng góp các sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thuận lợi thương mại, phát triển thương mại điện tử, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Việt Nam tích cực tham gia và đề xuất những sáng kiến hợp tác thiết thực hướng tới người dân, trong đó có các nội dung về phúc lợi xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếm thế, giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… đồng thời tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về ASEAN trong người dân.
Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020, bởi vậy các công việc chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều tháng nay. Phát biểu chỉ đạo trong Lễ ra mắt Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng, vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế." Theo Thủ tướng, Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Đó cũng chính là tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Việt Nam đang rất tích cực chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, cả về bộ máy tổ chức, tài chính, nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ cán bộ có năng lực là vô cùng quan trọng để điều hành, dẫn dắt các hội nghị và tổ chức các hoạt động ASEAN trong cả năm 2020. Riêng về mặt nội dung, cần nắm bắt tốt được yêu cầu chung của ASEAN cũng như quan tâm của các thành viên, các đối tác để xác định được đúng chủ đề cũng như ưu tiên, đi đúng vào dòng chảy chung, đáp ứng được lợi ích chung, có như vậy mới có được sự ủng hộ, thống nhất cao. Về điều hành, phải có cách xử lý khéo léo, cân bằng, dung hòa lợi ích của tất cả các bên.
Về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 cho rằng, Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội. Việt Nam phải nỗ lực để duy trì được đà tiến triển của ASEAN. Những gì ASEAN đã đạt được, Việt Nam cần phát huy, thúc đẩy để xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời, Việt Nam phải dẫn dắt để ASEAN ngày càng vững mạnh, tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực, cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm chung của toàn cầu.