Bám sát thực tiễn cơ sở
Theo đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh, Bí thư Chi bộ Công ty Juki Việt Nam (Khu Chế xuất Tân Thuận), thực tế, nhiều doanh nghiệp không ủng hộ thành lập Chi bộ trong doanh nghiệp, bởi họ không biết, không hiểu việc thành lập Chi bộ để làm gì. Doanh nghiệp vào đây sản xuất kinh doanh với mục tiêu đầu tiên là lợi nhuận, nên họ chỉ làm theo những gì pháp luật quy định.
Do vậy, đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh cho rằng, cũng như Công đoàn, hoạt động của cơ sở đảng cũng phải gắn liền với kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp thì mới tạo được niềm tin ở chủ doang nghiệp cũng như công nhân. Ví dụ, khi Công ty thực hiện các nội dung thực hiện an toàn lao động, vệ sinh nơi làm việc, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường… thì đảng viên phải nhắc nhở, vận động các công nhân thực hiện đúng nội quy, phong trào đó.
Từ thực tiễn của các cấp uỷ đảng trong khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho thấy: Công tác tuyên tuyền vận động, sâu sát quần chúng, gắn bó với cơ sở, có ý nghĩa rất lớn. Nơi nào cán bộ đảng, đoàn thể đi sâu, đi sát, bám sát thực tế, ra sức tuyên truyền, vận động giải thích với chủ doanh nghiệp, với người lao động, với cán bộ, đảng viên, cán bộ đoàn thể ở các doanh nghiệp, nơi đó đạt được những thành quả cao trong công tác xây dựng lực lượng.
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác tư tưởng, tuyên truyền trong lực lượng công nhân, Thạc sỹ Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị Khu vực II, cho rằng: Cần phải lựa chọn những vấn đề liên quan trực tiếp đến người công nhân, giúp họ thiết thực trong công việc và đời sống hàng ngày như cung cấp thông tin chính thống cho công nhân để họ hiểu đúng, hiểu đủ về chủ trương, chính sách, pháp luật và quyền lợi của mình; cung cấp kỹ năng khi có tình huống chính trị xảy ra để họ biết cách ứng xử phù hợp, đúng pháp luật. Đồng thời, giúp họ nhận thức được lợi ích mà tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp đã mang lại; niềm vinh dự, nghĩa vụ và quyền lợi khi họ được đứng trong hàng ngũ của Đảng…
Theo Thạc sỹ Vũ Trung Kiên, các cấp uỷ phải luôn xác định trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên tuyền cho công nhân phải đáp ứng được đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, phải dự báo và xác định xu hướng diễn biến tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay.
Đồng quan điểm này, Bí thư Đảng ủy Khu Chế xuất Tân Thuận Nguyễn Tùng cho rằng, để tổ chức đảng và các đoàn thể từng bước khẳng định được vai trò, chỗ đứng vững chắc trong doanh nghiệp; qua đó thu hút, tập hợp được người lao động để xây dựng lực lượng, phải không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp và các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, củng cố cơ sở Đảng trong các khu công nghiệp, Đảng uỷ các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Bài học kinh nghiệm lớn nhất ở đây là các cấp uỷ, biết đi vào thực tiễn, phát hiện những vấn đề từ thực tế công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại địa bàn các khu đặt ra, bằng hành động thực tiễn, bằng kết quả thực tế để kiến nghị cấp trên ban hành các quy định, không chờ đợi có quy định trước rồi thực hiện sau.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trước yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng lực lượng chính trị trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thời gian tới, mỗi cấp ủy đảng và các cán bộ chuyên trách đảng tại mỗi khu vực, địa phương được phân công phải tích cực vận động để chủ doanh nghiệp hiểu rằng, việc thành lập chi bộ Đảng và đoàn thể không ngoài mục đích giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt và ổn định hơn.
Gắn với nhiệm vụ chính trị
Để phát triển vững mạnh trong các doanh nghiệp, các tổ chức đảng, hệ thống chính trị cần phải thể hiện được vai trò của mình, trong đó phải xác định nhiệm vụ chính trị gắn liền với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tập hợp được đông đảo lao động tham gia tích cực vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Qua đó, từng đảng viên, tổ chức đảng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong doanh nghiệp, tạo được niềm tin đối với tập thể người lao động.
Từ quá trình xây dựng cơ sở Đảng ở doanh nghiệp, nhiều bí thư chi bộ, nhấn mạnh: Trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức công đoàn có vai trò hết sức quan trọng. Xây dựng Công đoàn vững mạnh chính là góp phần xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Công đoàn là nơi phát động các phong trào trong doanh nghiệp, qua đó phát hiện những quần chúng, công đoàn viên ưu tú, bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
Ở một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, có một số nội dung, nghị quyết của chi bộ Đảng đã được tổ chức triển khai thông qua những kiến nghị, đề xuất của tổ chức công đoàn với chủ doanh nghiệp. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng được Công đoàn phổ biến triển khai cho công nhân; công tác vận động quần chúng của Đảng lan toả ra quần chúng thông qua các hoạt động phong trào, qua các hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho công nhân của tổ chức Công đoàn. Ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở là đảng viên, đây chính là điều kiện thuận lợi để tiến tới thành lập tổ chức cơ sở đảng hoạt động có hiệu quả trong doanh nghiệp.
Cùng với từng bước khẳng định và củng cố vị trí tổ chức đảng trong doanh nghiệp, các cấp uỷ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường hợp tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”; các Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07, Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”. Bên cạnh đó, các cấp ủy cần tập trung công tác tuyên truyền vận động trong giới chủ, người quản lý doanh nghiệp về Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”.
Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú, tập trung vào các đối tượng là cán bộ trong Ban Chấp hành các đoàn thể, cán bộ quản lý doanh nghiệp, công nhân có tay nghề, chủ doanh nghiệp. Theo Thạc sỹ Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị Khu vực II, để thực hiện được nhiệm vụ này, cần khắc phục tình trạng hiện nay các đoàn thể có rất ít hoạt động tập hợp, thu hút công nhân tham gia, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Chú trọng cách tuyên tuyền, giáo dục thông qua người thật, việc thật, qua hình thức nêu gương.
Về vấn đề nay, đồng chí Nguyễn Tùng, Bí thư Đảng ủy Khu Chế xuất Tân Thuận cho rằng, mỗi đảng viên cần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, hệ thống các quan điểm của Đảng, đồng thời giáo dục cho toàn thể cán bộ đảng viên luôn luôn kiên định mục tiêu lý tưởng, độc lập, tự chủ và chủ nghĩa xã hội, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng. Trên cơ sở đó giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên gương mẫu tự rèn luyện phẩm chất Cách mạng, đạo đức lối sống, tính tiên phong và lập trường giai cấp công nhân.
“Mỗi Đảng ủy phải thường xuyên giữ mối quan hệ những người quản lý doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn khu theo phương châm hợp tác, hỗ trợ, thống nhất, đoàn kết trên cơ sở Điều lệ Đảng, Quy chế của Đảng, quy định của Nhà nước, Điều lệ của doanh nghiệp để phát huy vai trò của Đảng bộ mỗi khu trong tham gia xây dựng, phát triển khu”, đồng chí Nguyễn Tùng nhấn mạnh.
Trong bố cảnh mới, công tác xây dựng cơ sở đảng, tuyên tuyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhận biết những yếu tố tác động và đề ra, thực hiện đúng đắn các giải pháp sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng hệ thống chính trị nói chung, cơ sở đảng nói riêng trong các doanh nghiệp tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.