Đại hội biểu quyết thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng bình quân hằng năm 8,6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 79,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản 29,89%, công nghiệp - xây dựng 31,22%, dịch vụ 35,40%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 7,94%, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân hằng năm 5,92%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm 12,89%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 0,8% trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 35%...
Theo đó, các nhóm giải pháp trọng tâm được đặt ra như, tỉnh Gia Lai tiếp tục xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh và là nền tảng ổn định lâu dài, từ đó đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Gia Lai tập trung thúc đẩy sản phẩm chủ lực OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) của tỉnh gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng hợp tác xã, mô hình "Nông hội". Đồng thời, tỉnh phát triển cây ăn trái, cây dược liệu ở các vùng đất phù hợp; phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến, đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, trong đó lấy "thế trận lòng dân" vững chắc, làm nền tảng cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh…
Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên khẳng định, Nghị quyết Đại hội thông qua là một công trình tập thể, được xây dựng bằng trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết là bằng mọi giải pháp, phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh thực hiện các giải pháp, chương trình trọng tâm đạt kết quả cao nhất nhằm xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển.
Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Gia Lai anh hùng, cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đoàn kết, thống nhất, phát huy lợi thế, tiềm năng "Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; năng động, sáng tạo; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên" - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
Đại hội đã tín nhiệm bầu 18 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội cũng đã tổ chức thảo luận lấy ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Hầu hết ý kiến thảo luận đều nhất trí cao với dự thảo các văn kiện và khẳng định dự thảo các văn kiện là sản phẩm trí tuệ của Đảng, được chuẩn bị công phu, bài bản, chu đáo; bố cục chặt chẽ, khoa học và đảm bảo tính logic. Nội dung trình bày ngắn gọn, súc tích, có tính khái quát cao, đánh giá đúng trọng tâm, trọng điểm của từng vấn đề, vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới của đất nước, vừa thể hiện được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, tham gia vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, hầu hết các ý kiến đều chọn phương án "Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao".
Về các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2025 trên 5.000 USD là cao và khó thực hiện, vì thực tế đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45% là quá cao, đề nghị điều chỉnh, giảm tỷ lệ đô thị hóa xuống 43% là phù hợp với điều kiện, khả năng của quốc gia.
Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, có ý kiến cho rằng cần tập trung đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại kinh tế nhằm tạo bước chuyển biến căn bản cho nền kinh tế dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung nguồn lực phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, có ý kiến đề nghị cần rà soát, đánh giá lại chất lượng của một số cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học để sắp xếp lại cho phù hợp, tránh tình trạng các trường đào tạo tràn lan, dàn trải, không hiệu quả, không có đầu ra cho nguồn nhân lực. Đồng thời, cần có chính sách cụ thể, đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nhất là giáo dục ngoài công lập. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ của từng địa phương.
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị".
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, có ý kiến đề nghị Trung ương quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; có giải pháp đầu tư, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất liên kết, sản xuất sạch, xây dựng nông thôn mới; quan tâm định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề, chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Đồng thời, có giải pháp đầu tư hỗ trợ cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là nâng cao vai trò giám sát của nhân dân…