Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng Quốc hội trình dự án Luật Cảnh sát Cơ động là hết sức cần thiết. Điều này đã thể hiện được sự đóng góp, vai trò của lực lượng Cảnh sát Cơ động trong việc bảo đảm an ninh, trật tự của Tổ quốc. Việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động lên thành Luật Cảnh sát Cơ động tạo hành lang pháp lý rõ ràng để lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh hiện nay.
Tham gia ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Thanh Xuân trăn trở về khâu tuyển dụng lực lượng Cảnh sát Cơ động. Những người được tuyển dụng vào lực lượng này đều được huấn luyện và sau khi hết nghĩa vụ nếu không được chuyển sang chuyên nghiệp phải trở về địa phương. Do đó, cần có cơ chế, phương án đào tạo, bố trí sử dụng lực lượng này ở cấp cơ sở tránh lãng phí.
Cũng theo đại biểu Thanh Xuân, việc trang bị cho lực lượng Cảnh sát Cơ động các trang thiết bị hiện đại như máy bay, tàu thủy... về lâu dài là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nếu cùng một lúc mà trang bị cho tất cả các lực lượng, nguồn lực chắc chắn chưa thể đảm bảo. Vì vậy, cần có sự huy động, phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Cơ động với các lực lượng vũ trang khác để sử dụng có hiệu quả nguồn lực sẵn có mà vẫn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Đại biểu Y Vinh Tơr, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cơ bản thống nhất với dự thảo Luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung Điều 28 liên quan trách nhiệm chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý vấn đề quy hoạch phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
“Chính sách nhà ở xã hội là một vấn đề lớn, nhưng giải quyết chưa nhiều so với nhu cầu thực tế. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tính toán để tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát Cơ động công tác lâu dài yên tâm thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Y Vinh Tơr nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động, đồng thời đóng góp một số ý kiến. Chẳng hạn, quy định tại Điều 4 “Nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát Cơ động” không nên kế thừa với pháp lệnh trước đây. Để đáp ứng tình hình mới hiện nay, cần có những cụm từ thể hiện tính chất đặc thù của lực lượng Cảnh sát Cơ động khác với lực lượng Công an nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm.
Theo đại biểu Nguyệt, việc điều động lực lượng Cảnh sát Cơ động trong những trường hợp cấp bách, yêu cầu cao cần có trao đổi thông tin, báo cáo với cấp chính quyền địa phương là phù hợp. Vì vậy cần có thêm quy định để thống nhất, điều hành, phối hợp thực hiện.
Đại biểu đề nghị, đối với vấn đề bình đẳng giới, nên quy định dưới luật có văn bản hướng dẫn thêm, có những chính sách thu hút lực lượng nữ khi thực hiện nhiệm vụ phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước.