Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm, Chủ nhiệm đề tài khoa học “Đánh giá công tác quốc phòng của Thủ đô nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015 - 2020); định hướng nhiệm vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, cho biết: Đề tài nhằm thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20 của Thành ủy Hà Nội, cung cấp những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua hội thảo, đề tài sẽ đánh giá thực trạng kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng Thủ đô nhiệm kỳ Đại hội XVI (trọng tâm là giai đoạn 2015 - 2018), định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong những năm tiếp theo.
Đại tá Phùng Chí Cao, Trưởng phòng Khoa học quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô), Thư ký đề tài, đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài “Đánh giá công tác quốc phòng của Thủ đô nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015-2020); định hướng nhiệm vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu, đã báo cáo kết quả nghiên cứu bốn chuyên đề, 16 nội dung nghiên cứu. Các sản phẩm đảm bảo tính khoa học, phản ánh rõ nét kết quả nghiên cứu gắn với tổng kết lý luận, thực tiễn và đề xuất định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nội dung chính của đề tài gồm 4 chương, trong đó tập trung đánh giá thực trạng công tác quốc phòng của Thủ đô giai đoạn 2015 - 2020, Ban đề tài đã nêu bật những kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ quốc phòng; kết quả xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô, đặc biệt chỉ ra 30 hạn chế, khuyết điểm trên các nội dung, sáu nguyên nhân và năm nhóm bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề tài đã làm rõ những căn cứ khoa học để định hướng tăng cường, củng cố quốc phòng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xác định bối cảnh, tình hình, đặc điểm của Thủ đô để từ đó đề xuất định hướng, chỉ ra sáu quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ và 10 giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài, cơ bản cho rằng nội dung, bố cục đề tài khá toàn diện, bao trùm, tuy nhiên cần điều chỉnh, bổ sung cho đảm bảo tính khoa học và chặt chẽ hơn; quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đối với công tác quân sự, quốc phòng Thủ đô, đồng thời nêu bật vị trí, vai trò của công tác quân sự, quốc phòng của Thủ đô đối với cả nước. Các đại biểu cũng nêu ý kiến cần nêu rõ hơn bối cảnh tình hình trong giai đoạn tới, tập trung phân tích những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ để từ đó đề ra giải pháp sát thực, hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài cần bám sát những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình nghiên cứu. Bên cạnh những vấn đề nghiên cứu định tính, Ban chủ nhiệm đề tài cần bổ sung thêm các số liệu mang tính định lượng để minh chứng cho các nội dung nghiên cứu của đề tài.
“Đề tài cần đi sâu, phân tích rõ hơn những thách thức đặt ra đối với công tác quân sự, quốc phòng của Thủ đô trong giai đoạn tới, nhất là những nguy cơ tác động đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô để từ đó đưa ra giải pháp cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng Thủ đô. Trong đó, quan trọng nhất là phải xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng Thủ đô thật vững mạnh, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đồng thời phát huy thế mạnh kinh tế, đối ngoại cho quốc phòng, an ninh”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn yêu cầu.