Bảo vệ quyền và lợi ích người lao động
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2018, tổng số tiền nợ các loại bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ giải thể, phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là 1.003 tỷ đồng với 59.000 lao động. Trong khi đó, khoản 7, Điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. “Vì sao Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực đã gần 3 năm nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được ban hành, vướng mắc do đâu, trách nhiệm thuộc về Bộ hay thuộc về Chính phủ?” - đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo khoản 7, Điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ các biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó cho phép đóng riêng từng trường hợp để giải quyết quyền lợi người lao động, đồng thời tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Quốc hội và đã được Quốc hội thống nhất bổ sung tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; trong đó có giải pháp tăng cường thanh tra, xử lý các biểu hiện trốn đóng bảo hiểm…
Bộ trưởng thừa nhận, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng công tác này chưa đạt được mong muốn. Bộ đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị định nhằm giải quyết triệt để vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay có một số vướng mắc và Bộ đã trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để lắng nghe và trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý phương án phù hợp với thông lệ quốc tế, các chính sách hiện hành về bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách người có công
Quan tâm đến chính sách đối với người có công với cách mạng, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) chất vấn: Hiện nay, còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả 3 vấn đề: Xác định đối tượng; thủ tục, quy trình xét công nhận và chế độ người có công. Đặc biệt tình trạng người có công chưa được xem xét công nhận, trong khi đó nhiều đối tượng trục lợi chính sách người có công, gây bất bình trong nhân dân mà nguyên nhân chính chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh. "Có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh người có công như thế nào để sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay", đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Thời gian qua, việc xem xét, công nhận người có công đã được tiến hành theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công đang được tiến hành quyết liệt và từng bước có hiệu quả nhất định. Bộ trưởng khẳng định, nhìn tổng thể, chính sách người có công đã thực hiện một cách nghiêm minh, đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm; nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đã đưa vấn đề này trở thành văn hóa trong ứng xử.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình thực hiện gần 70 năm qua cho thấy vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách người có công. Gần đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đến nay, Bộ và các địa phương đã phát hiện, đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đến tháng 8/2018, đã kết thúc thanh tra ở 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 - 2018 là 66.014 hồ sơ. Đến nay, Bộ trưởng đã quyết định đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo, hồ sơ không đầy đủ...; kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành, địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về chính sách người có công. Các cơ quan chức năng cũng truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, xử án treo 124 người. “Thời gian qua, Bộ và các địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và bước đầu có hiệu quả nhất định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quan điểm của Bộ là không ban hành Luật Người có công. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang tiến hành quy trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công với cách mạng. Thời gian tới, Bộ sẽ lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin, tố giác hành vi vi phạm; tổng kết, phân loại vi phạm... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, thanh tra toàn bộ 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến và con đẻ người tham gia kháng chiến chịu ảnh hưởng chất độc hóa học; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm; đảm bảo sự tôn nghiêm pháp luật và niềm tin nơi nhân dân.