Trước thềm Đại hội, phóng viên TTXVN ghi nhận những chia sẻ của đại biểu về chất lượng công tác mặt trận những năm qua; gửi gắm tâm tư, kỳ vọng tới Đại hội với mong muốn trong thời gian tới, công tác mặt trận sẽ có sự đổi mới toàn diện, xứng đáng với vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm
Đánh giá chất lượng hoạt động trong nhiệm kỳ qua, bà Võ Thị Minh Sinh (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An) cho rằng, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội; thể hiện rõ hơn tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Bà Minh Sinh đánh giá cao khi hoạt động của Mặt trận ngày càng được đổi mới và hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong thời kỳ mới.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Oanh (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình) cho rằng, các cuộc vận động, phong trào thi đua được MTTQ triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua lao động sáng tạo, chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. MTTQ Việt Nam đã tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cùng với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần mở rộng đoàn kết hữu nghị và hợp tác, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Hương đánh giá, thời gian qua, công tác mặt trận tiếp tục mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng, hành động trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chủ động phối hợp, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của nhân dân, thể hiện rõ vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Theo nhiều đại biểu, có được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác mặt trận, nhất là việc kịp thời ban hành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trong toàn hệ thống mặt trận; sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước và các cấp chính quyền; hoạt động của Mặt trận các cấp ngày càng thiết thực, gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của toàn xã hội.
Lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân
Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn mới, xứng đáng là cầu nối vững chắc, quan trọng, tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, các đại biểu cho rằng, MTTQ các cấp cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, Đại hội lần này cần tập trung thảo luận, thống nhất các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế...
Theo các đại biểu, thời gian tới Mặt trận cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng giải quyết những nguyện vọng của người dân trên cơ sở xem xét nguyện vọng nào thực sự hợp với lòng dân, không nên nói chung chung mà cần cụ thể hóa bằng hành động cụ thể. Các đại biểu mong muốn, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tập trung nhiều vào hoạt động giám sát phản biện. Để làm tốt điều này, các đại biểu cho rằng, đội ngũ cán bộ Mặt trận phải là những người gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường chính trị vững vàng...
Theo bà Võ Thị Minh Sinh, phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay chưa theo kịp những yêu cầu mới trong xã hội, chưa có sự phối hợp giữa công tác tập hợp ý kiến nhân dân, dư luận xã hội với công tác tuyên truyền, vận động và định hướng dư luận xã hội. Nhiệm kỳ tới, MTTQ cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể với chính quyền trong tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực hiện chủ trương, chính sách, dự án ngay từ cơ sở.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Oanh cho rằng, Mặt trận là nơi lắng nghe nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, cần quan tâm nhiều hơn nữa những ý kiến của người dân ở vùng sâu, vùng xa vì đây là đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Khẳng định Mặt trận cần có những đột phá và mang bản sắc riêng, đại biểu Nguyễn Văn Dừa (tỉnh Cao Bằng) đề nghị, trong nhiệm kỳ mới, Mặt trận phải thể hiện vai trò giám sát và cùng dân hành động trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo hướng thực chất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân chứ không chỉ là chạy theo phong trào.
Một trong những mong muốn mà ông Dừa gửi đến Đại hội là Mặt trận cần phát huy sự tham gia đóng góp của các vị Ủy viên Ủy ban, nhất là những nhà khoa học, để có ý kiến chuyên sâu về những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Bên cạnh đó, tại mỗi chương trình hành động cần đưa ra những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể trong cả nhiệm kỳ để tạo sinh lực mới, quyết tâm mới cho hoạt động của Mặt trận các cấp...