Các văn kiện Đại hội khẳng định quan điểm, đường lối đổi mới, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
Dấu ấn nổi bật
Nhiệm kỳ XII, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong Top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Riêng năm 2020, một năm rất đặc biệt, được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách; là năm mà chỉ số niềm tin của nhân dân lên cao nhất. Khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Cải cách thể chế kinh tế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Trong nhiệm kỳ, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách hành chính lớn. Năm 2016, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con. Năm 2018, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Năm 2020, đưa ra mục tiêu tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 20% các quy định hành chính về kinh doanh và tiến hành tổng rà soát để xóa bỏ tình trạng chồng chéo, bất cập trong các quy phạm pháp luật về kinh doanh hiện hành. Kết quả rất đáng ghi nhận là Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh theo các bảng xếp hạng toàn cầu. Khoảng cách điểm số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so nhóm các nước dẫn dầu ASEAN đang thu hẹp lại.
Trong nhiệm kỳ XII, nỗ lực bền bỉ giảm nghèo đã để lại những dấu mốc quan trọng với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đến cuối năm 2020 còn khoảng 2,75%, đạt mục tiêu đề ra là giảm bình quân 1,0 - 1,5%/năm. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Trong bối cảnh đất nước khó khăn, Việt Nam vẫn luôn chú trọng, quan tâm đến an sinh xã hội, với mức chi bình quân khoảng 21% - cao nhất khu vực ASEAN. Khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 9/2020 cho thấy, niềm tin của nhân dân về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tăng từ 58% lên % - đứng thứ 4 trong 32 chỉ tiêu khảo sát đánh giá.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo cho khu vực nông thôn cả nước một diện mạo mới, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống văn hóa - xã hội phong phú, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, nông thôn từng bước hiện đại, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Đến hết tháng 9/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 93 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh của cả nước) đã được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm kỳ qua cũng ghi dấu ấn nổi bật trên mặt trận đối ngoại, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Để lại dấu ấn tốt đẹp trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, tổ chức thành công ASEAN 2020, Đại hội đồng AIPA 41 và trước đó là APEC 2017, Việt Nam thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm, có khả năng dẫn dắt, đóng vai trò kiến tạo trong cộng đồng quốc tế.
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo được dấu ấn nổi bật, mà còn góp phần củng cố niềm tin, tạo ra động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Tầm nhìn, khát vọng hướng tới tương lai
Đại hội XIII có trách nhiệm lịch sử to lớn, định hướng tương lai của cả dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, với những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân rất tâm đắc trong văn kiện Đại hội lần này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII việc xác định mục tiêu như trên theo cách tiếp cận mới: Trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập phù hợp với cách tiếp cận của thế giới.
Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) thu nhập bình quân thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm; thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm; thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm (số liệu ngày 1/7/2020). Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, mức thu nhập trung bình cao. Như vậy, đến năm 2045 Việt Nam có mức thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhận xét, mục tiêu Nghị quyết đề ra là phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với tâm tư, tình cảm của đại đa số nhân dân và cán bộ, đảng viên.
Những định hướng này được cụ thể hóa qua từng giai đoạn, có lộ trình, bước đi cụ thể với những mục tiêu rõ ràng cho cột mốc 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045. Phó Trưởng ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn Vũ Minh Thảo cho rằng, chưa bao giờ nội hàm "khát vọng" lại được nhấn mạnh và thể hiện đậm nét, xuyên suốt như vậy trong Báo cáo Chính trị. "Là một người trẻ, tôi rất đồng tình và tán đồng với quan điểm này", anh Vũ Minh Thảo chia sẻ, để khơi dậy khát vọng mãnh liệt này, không ai khác chính là những người trẻ - những người được kỳ vọng là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước - phải được châm ngòi, nuôi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi để biến những khát vọng thành những hành động có mục tiêu, gắn với từng điều kiện rất cụ thể của cá nhân, đơn vị, địa phương…
Đại biểu Trần Trung Nhân, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai tâm đắc nhận định: Đảng ta đã rất quyết đoán, mạnh dạn đặt ra những chỉ tiêu, mục tiêu vượt ngoài thời gian nhiệm kỳ lần này với các mốc được xác định cụ thể. “Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, thể hiện tầm nhìn và chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới. Có thể nói, đây là những cam kết chính trị của Đảng với nhân dân, với dân tộc mình trong giai đoạn mới. Đồng thời cũng là thước đo rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho người dân giám sát sứ mệnh lịch sử của Đảng trong thời kỳ cách mạng mới”.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhìn nhận Đại hội XIII Đảng ta đã xác định một mục tiêu phát triển dài nhất, lớn nhất, có thể nói là đầy cảm hứng cho một giai đoạn rất dài của đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định Đại hội XIII là Đại hội truyền cảm hứng mãnh liệt, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội vang lên 2 chữ "khát vọng". Ông nhấn mạnh: Khát vọng phát triển và đổi mới sáng tạo là điểm nhấn nổi bật của Đại hội XIII - một Đại hội ghi dấu ấn rất rõ về tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo, vượt mọi khó khăn, đi cùng thời đại và tiến lên cùng thời đại.
Các đại biểu tham dự Đại hội tin tưởng, với niềm tin và khát vọng theo đúng tinh thần của Đại hội, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phồn vinh, hạnh phúc; niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ ngày càng được củng cố trong thời gian tới.
Bài 3: Bài bản, chặt chẽ trong lựa chọn cán bộ