Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng tiếp tục xảy ra trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm. Đơn cử, vụ việc phát hiện pha chế xăng giả xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải xăng dầu 89, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây.
Do đó, để nâng cao hiệu quả việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hành vi chiếm đoạt xăng dầu, pha tạp chất không đúng quy chuẩn vào bồn, téc chứa xăng dầu trên đường vận chuyển, hành vi sang mạn, chuyển tải xăng dầu trái quy định đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
"Kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển trái phép xăng dầu. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận chuyển trái phép xăng dầu", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) từ khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào các địa bàn nội địa; kiên quyết từ chối vận chuyển trái phép xăng dầu.
Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển đặc biệt là các loại xăng dầu tại đơn vị mình.