Theo ông Nam, thời gian qua, tình hình buôn lậu xăng dầu tại khu vực biển giáp ranh với các nước Malaixia, Indonexia, Thái Lan, khu vực biển Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp, các tàu buôn lậu của nước ngoài (chủ yếu là tàu Thái Lan) tổ chức vận chuyển, thực hiện hành vi sang mạn dầu trái phép cho các tàu cá cải hoán của Việt Nam và bán trực tiếp cho các tàu đánh bắt cá trên biển.
Ngành chức năng kiểm tra hành vi sang dầu trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN. |
Chúng thực hiện hành vi trên vào ban đêm thường ở khu vực biển nước ngoài, khi trời sáng di chuyển về khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước thực hiện hành vi bán, sang mạn dầu. Sau khi một số lần bị lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng đã rất cảnh giác, tổ chức cảnh giới, quan sát từ xa khi phát hiện ra lực lượng chức năng sẽ tiến hành cơ động ra khỏi vùng biển Việt Nam, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng của ta kiểm tra, truy đuổi, bắt giữ.
Đặc biệt trong thời gian qua, khi bắt giữ các đối tượng buôn lậu dầu tại khu vực biển Tây Nam, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra và thu giữ trên tàu buôn lậu dầu nước ngoài có một số loại vũ khí nóng. Đây là một dấu hiệu cho thấy tính chất nguy hiểm của các đối tượng. Nếu chúng ta xử lý tình huống không chính xác, linh hoạt, mất cảnh giác hoặc khi tiếp cận đối tượng không chiếm được ưu thế thì hậu quả xấu sẽ xảy ra.
Các đối tượng chủ đầu nậu dầu thường sử dụng thuyền viên của các nước khác nhau như: Thái Lan, Campuchia, Lào. Khi lực lượng chức năng bắt giữ, gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh nguồn gốc tàu thuyền.
Riêng từ cuối tháng 4 và trong tháng 5, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm tra, bắt giữ các đối tượng buôn lậu dầu trên các vùng biển với số lượng dầu tịch thu gần 3,5 triệu lít.
“Từ thực tiễn diễn ra trên các vùng biển thời gian gần đây cho thấy, lợi dụng việc cấp phép dịch vụ hậu cần nghề cá và sự ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định 67 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động trên biển đã lợi dụng đưa tàu ra vùng biển giáp ranh mua dầu lậu bán các tàu cá Việt Nam nhằm trốn thuế. Hoạt động buôn lậu dầu rất phức tạp, lực lượng Cảnh sát biển vừa tổ chức kiểm tra, bắt một vụ dầu lớn với trên 1,3 triệu lít còn chưa giải quyết xong, các đối tượng khác vẫn tiếp tục thực hiện hành vi buôn lậu dầu với số lượng rất lớn gần 1,5 triệu lít và đã bị bắt giữ”, Đại tá Trần Văn Nam cho biết.
Mặt khác, buôn lậu dầu có lãi suất cao, nếu các đối tượng thực hiện thành công các vụ việc thì các chủ đầu nậu thu được lợi nhuận rất lớn, giá dầu trên biển chỉ bằng 2/3 giá bán lẻ trong bờ. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động mua bán xăng dầu của Việt Nam: lợi dụng vấn đề được phép nhập khẩu xăng dầu, đã sử dụng những thủ đoạn khai báo gian dối với các cơ quan chức năng để đưa số lượng xăng dầu nhập khẩu nhiều hơn số lượng khai báo.
Các khu vực ven biển, cảng biển thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vùng Tàu nơi có mật độ phương tiện tàu thuyền cao, hoạt động mua bán xăng dầu nhỏ lẻ không có nguồn gốc hợp pháp vẫn diễn ra. Các đối tượng sử dụng hồ sơ, giấy tờ giả để hợp thức hóa những khoáng sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, trôi nổi nhằm đối phó cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
Bên cạnh việc gia tăng lực lượng đấu tranh ngăn chặn buôn lậu xăng dầu, trong những tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép mặt hàng than và khoáng sản. Để hạn chế sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các đối tượng tổ chức thành lập các công ty, chi nhánh kinh doanh ở nhiều nơi khác nhau. Lợi dụng việc vận chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, vận chuyển nội địa, trong quá trình vận chuyển trên biển các đối tượng cho chuyển hướng vận chuyển trái phép qua biên giới. Ví dụ như vụ tàu Nam Ninh 09 BLC vận chuyển 3000 tấn quặng sang Trung Quốc bị CSB bắt giữ ngày 21/5 vừa qua.
Đối với các mặt hàng khác như: Hoạt động buôn lậu thuốc lá, các đối tượng vẫn sử dụng xuồng tốc độ cao, lợi dụng đêm tối vận chuyển vào các khu vực ven biển không có lực lượng chức năng kiểm soát thường xuyên, sau đó đưa lên các phương tiện khác vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.