Theo ông Trần Trọng Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc, hoạt động kinh doanh gas khác với các mặt hàng khác là thương nhân kinh doanh gas bắt buộc phải đầu tư và là chủ sở hữu bình gas. Với hàng triệu người tiêu dùng sử dụng gas, đang khiến công tác quản lý mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.
“Vấn đề nổi cộm thời gian qua là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Các đối tượng vi phạm đã hoán cải bình gas, mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, thay đổi kết cấu, logo... để biến thành bình gas của mình và bán ra thị trường. Điều này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín của các thương nhân kinh doanh gas chân chính; cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh và thu lợi bất chính; đồng thời khiến Nhà nước thất thu thuế, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ tai nạn cháy nổ”, ông Trần Trọng Hữu nói.
Theo lực lượng quản lý thị trường, các bình gas du lịch đang được bán và sử dụng phổ biến hiện nay. Nhiều vụ sang nạp gas từ bình 45 kg, 12 kg sang chai gas du lịch bằng phương pháp thủ công đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Lãnh đạo Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc kiến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh khí, Hiệp hội Gas Việt Nam xử lý nghiêm vi phạm để răn đe; bổ sung quy định siết chặt về tài sản và sở hữu bình gas của các thương nhân như: Tịch thu trả cho chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.