Kiểm tra thực tế hành lý của khách nhập cảnh có dấu hiệu nghi vấn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Theo Công an thành phố Hà Nội, thực tế công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn sân bay quốc tế Nội Bài thời gian qua cho thấy chưa tương xứng và đạt hiệu quả như yêu cầu đề ra. Do đó, Công an thành phố đã yêu cầu đơn vị nghiệp vụ liên quan, Công an các quận, huyện, thị xã quán triệt, thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ địa bàn trọng điểm; xây dựng kế hoạch thực hiện tại đơn vị mình.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tập trung làm rõ công tác điều tra cơ bản tại địa bàn sân bay quốc tế Nội Bài, 2 điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nằm trong nội địa (kho ICD) trên địa bàn quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm; các doanh nghiệp trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, từ đó lập hồ sơ, bổ sung vào công tác nghiệp vụ cơ bản.
Theo kế hoạch của Công an thành phố Hà Nội, ngay trong tháng 6/2018, cơ quan Công an đẩy mạnh phối hợp với ngành chức năng tăng cường nâng cao nhận thức của cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế Nội Bài trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh, lên án, tố giác mọi hành vi vi phạm. Đặc biệt, không tham gia, tiếp tay, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả.
Cơ quan Công an tập trung, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, tổ chức buôn lậu lớn tại địa bàn sân bay, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với ngành chức năng, nhất là lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Cảng vụ hàng không, Thuế... kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, triệt để mọi hành vi vi phạm. Trong đó, thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, các biện pháp trinh sát và chức năng điều tra hình sự theo quy định của pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn sân bay quốc tế Nội Bài.
Đặc biệt, thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế...; từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời có biện pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.