Vàng thau lẫn lộn
Thị trường thực phẩm chức năng hiện nay rất đa dạng, với nhiều kênh phân phối, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn, đặc biệt là trong khâu hậu kiểm. Điều này dẫn đến tình trạng thực phẩm chức năng xách tay, chưa qua kiểm định, tràn lan trên thị trường.
Hiện nay, xuất hiện những hành vi tinh vi hơn như thu mua lại các sản phẩm quá hạn, kém chất lượng, hoặc hàng giả, rồi đóng gói lại dưới nhãn mác của các sản phẩm ngoại nhập có giá trị cao, để bán ra thị trường.
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan. Cụ thể, vào tháng 9/2024, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang vừa kiểm tra, phát hiện 1 Nhà thuốc trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang buôn bán 8 vỉ thuốc CEFUROXIM 500mg, có dấu hiệu giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA sản xuất (dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA). Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ ngay toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng trong tháng 9, Đội QLTT số 1, thuộc Cục QLTT Phú Yên, phối hợp Đội 3 Phòng Cảnh sát kinh tế, phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Yên, tiến hành dừng và khám phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 50H-xxx. lưu hành theo hướng Bắc - Nam do ông T.B.S, sống tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là người điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa.
Kết quả khám phương tiện vận tải, Đội QLTT số 1 phát hiện trên xe vận chuyển 70 mục hàng, với hơn 13.500 đơn vị sản phẩm, gồm: Sữa bột các loại; Vợt Pickleball Paddle; Máy tính xách tay; Máy tính bảng; Điện thoại di động; Bánh kẹo các loại; Thực phẩm chức năng các loại; Mỹ phẩm các loại;….
Toàn bộ hàng hoá do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tại thời điểm khám phương tiện vận tải, lái xe không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.
Trước đó, vào tháng 6/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Yên, tiến hành dừng và khám phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 50H-236.XX, lưu hành theo hướng Bắc – Nam, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên, do ông N.C.B, sống tại thôn Bình Thuận, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, là người điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa.
Kết quả kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 51 mục hàng hóa, với tổng số 3.754 sản phẩm, gồm: Mỹ phẩm (kem dưỡng da; tinh chất dưỡng da; nước hoa hồng; mặt nạ dưỡng da;…) các hiệu ZO SKIN HEALTH, CLINIQUE, ORIGINS, ESTEE LAUDER, Cicapair, BATH & BODY WORKS; Quần, áo các loại có nhãn bằng tiếng nước ngoài; Thực phẩm chức năng các hiệu Codyceps Sinensis, Phyto ESTROGEN; Sữa bột các hiệu Ensure, Entrust Milk; Máy tính xách tay đã qua sử dụng hiệu.
Toàn bộ hàng hóa có nhãn bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tại thời điểm khám phương tiện vận tải, ông N.C.B không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ hàng hóa để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh kiểm tra thị trường thực phẩm chức năng dịp cuối năm
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hóa mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam.
Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
Trong thời gian qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an rất nhiều vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn.
Ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT xác định hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khoẻ của người dân, do vậy, đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của lực lượng QLTT, nhất là trên môi trường Internet. Hiện nay, các loại hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bán rất nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử kèm theo chương trình khuyến mãi khủng, dùng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nhằm chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo để không mua phải hàng giả.
Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, kích cỡ chai, các loại chữ viết… để phân biệt. Bên cạnh đó, nên mua sản phẩm thật từ cửa hàng chính hãng. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…
Cục Quản lý thị trường Hà Nội - thành viên Ban Chỉ đạo 9 thành phố cho biết, Cục đã thực hiện triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại các tháng cuối năm 2024, dịp Tết Dương lịch 2025, cũng như trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Đây là kế hoạch số 24/KH-QLTTHN được kí kết vào ngày 30/10/2024, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ vi phạm như thực phẩm chức năng, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.
Số liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 11/2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 359 vụ, xử lý hành chính 355 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt hành chính lên tới 3,86 tỷ, trị giá hàng hóa vi phạm được xác định là 2,913 tỷ đồng. Những con số này cho thấy sự quyết liệt trong việc đảm bảo trật tự thị trường và quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng chức năng.
Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với lực lượng công an phát hiện nhiều vụ buôn bán thực phẩm chức năng chứa chất cấm nguy hiểm. Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông phát hiện và thu giữ 84 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất Sibutramine và Cyproheptadin. Đây là những chất bị Bộ Y tế nghiêm cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, do có nguy cơ cao đối với sức khỏe con người.
Cũng trong thời gian này, Đội Quản lý thị trường số 17 đã phát hiện và thu giữ hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng giả, được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ giảm cân. Kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm này chứa Sibutramine, một chất cấm có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng gây nguy cơ tổn thương não và đột quỵ. Bộ Y tế đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu này và yêu cầu thu hồi tất cả các sản phẩm chứa chất cấm Sibutramine tại Việt Nam.