Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm nếu để hình thành đường dây buôn lậu lớn

“3 địa phương giáp ranh biên giới Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, kiên quyết không để hình thành đường dây buôn lậu, ổ nhóm, tụ điểm lớn. Địa phương nào để xảy ra các tình trạng trên người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước tỉnh và cơ quan cấp trên”.

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2017; triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm vào ngày 10/7.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt chẽ các khu vực biên giới đường bộ và đường biển; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bảo kê của các cơ quan chức năng. Ông Long khẳng định, Quảng Ninh luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi song cương quyết không để xảy ra việc lợi dụng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái giám sát hành lý khách nhập cảnh qua hệ thống máy soi nhằm ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu vận chuyển qua cửa khẩu. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Công an thực thi hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu; chủ động đề xuất khởi tố các vụ việc; tăng cường kiểm tra, xử lý, không để hàng hóa thẩm lậu vào nội địa.

Các lực lượng này cần thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, nhất là các địa bàn trọng điểm. Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường, vận động, giáo dục cư dân biên giới.

Đối với các cơ quan tố tụng, Chủ tịch UBND tỉnh yêy cầu phải xử lý nghiêm minh các vụ việc nếu có yếu tố vi phạm pháp luật đồng thời công khai kết quả xét xử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Ninh (Ban chỉ đạo 9 tỉnh) cho biết, để triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo đã đề nghị các lực lượng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, trung tâm thương mại.

Đồng thời nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chống buôn lậu, nhất là các mặt hàng như: than, xăng dầu, thuốc lá, đèn trời, pháo... Các lực lượng tập trung thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, phân tích hành vi, chủng loại để đề ra các giải pháp cụ thể đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong vai trò Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Quang Tùng đề nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho chống buôn lậu, sửa đổi các thông tư, quy định xử phạt. Cùng đó, ban hành kế hoạch các đợt cao điểm chống buôn lậu trong 6 tháng cuối năm; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công vụ, nghiệp vụ, chuyên môn

Bên cạnh đó, tiếp tục thông tin, truyền thông, phản ánh kịp thời các hành vi buôn lậu tới mọi đối tượng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 9 tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.580 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23,5 tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng (TTXVN)
Quảng Trị ngăn chặn buôn lậu đường qua biên giới
Quảng Trị ngăn chặn buôn lậu đường qua biên giới

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng buôn lậu hàng hóa qua tuyến biên giới Quảng Trị (Việt Nam) với tỉnh Savanaket (Lào) có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu đường kính trắng do Thái Lan sản xuất từ Lào vào Việt Nam diễn biến rất phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN