Mặc cho các lực lượng chức năng tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, những thủ đoạn tinh vi của giới buôn lậu vẫn che mắt được lực lượng chức năng. Không những thế, lực lượng mỏng, kinh phí ít và năng lực hạn chế là nguyên nhân khiến "chảo lửa" nơi cửa khẩu vẫn luôn nóng.
Ngăn chặn chưa triệt để
Ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm qua, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng không bảo đảm an toàn vệ sinh được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và cấp bách hàng đầu.
Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ngay từ đầu năm Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các chuyên đề về chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…
Theo ông Cao Xuân Luật, việc triển khai có nhiều điểm mới, chống hàng giả được kiểm, đếm theo từng tháng. Nếu như trước đây lực lượng chuyên tập trung kiểm tra vi phạm hàng giả về kiểu dáng, nhãn mác bao bì thì nay đã đi vào chiều sâu, tăng cường kiểm soát hàng chất lượng hơn.
Chính vì vậy, tính đến đầu tháng 7/2018, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 2.048 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Trong đó, điển hình là 243 vụ buôn lậu, tương đương giá trị hàng hóa trên 5,5 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 346 triệu đồng; 16 vụ hàng cấm, phạt tiền hơn 72 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 30 triệu đồng.
Ông Cao Xuân Luật cũng đưa ra ví dụ điển hình hồi 16h ngày 5/9, Đội quản lý thị trường số 9 (Hải Hà, Quảng Ninh) đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng dùng xe mô tô vận chuyển 140 kg nội tạng lợn nhập lậu từ Trung Quốc.
Vào thời điểm nói trên, tại Quốc lộ 18A thuộc địa phận xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phát hiện xe Honda Wave RXS biển kiểm soát 71 B3 - 280.64 do Nình A Cạy trú tại thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái điều khiển chạy theo hướng thành phố Móng Cái - Đầm Hà chở 3 thùng xốp trắng bên trong có chứa 140 kg nội tạng lợn.
Tại cơ quan chức năng, Nình A Cạy khai nhận số nội tạng trên gồm lòng lợn, dạ con được đối tượng mua của một số tiểu thương bên phía Trung Quốc với trị giá 2,4 triệu đồng để vận chuyển đến huyện Đầm Hà tiêu thụ.
Đội quản lý thị trường số 9 đã tiến hành lập biên bản và phối hợp với các lực lượng chức năng tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên theo đúng quy định của pháp luật.
Nhận định về vấn đề này, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù không còn công khai như trước nhưng tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh biên giới. Hàng hoá vi phạm chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, thực phẩm...
Hơn nữa, phương thức hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn, như vận chuyển hàng hoá trên ôtô cá nhân, thiết kế hầm bí mật trên xe, nguỵ trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hoá khác; hoặc chia nhỏ để vận chuyển nhiều lần, thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa bàn hoạt động.
Đáng lưu ý, thủ đoạn gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hàng hoá đòi hỏi công nghệ cao, khó gia công và thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ được sản xuất, gia công trong nước tại các khu công nghiệp, làng nghề... sau đó trà trộn với hàng thật đưa về vùng sâu, vùng xa, nông thôn tiêu thụ.
Ông Trịnh Văn Ngọc cho hay: Mặc dù quản lý thị trường kiểm tra thường xuyên nhưng các loại hàng này thường chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên vẫn chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng buôn lậu.
Ngoài ra, cũng có hiện tượng một số hàng hoá có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không được tích cực hợp tác. Hoạt động buôn bán qua mạng internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy lùi buôn lậu
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 (TP Hạ Long), nhờ chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có tình trạng đầu cơ, ép giá, nâng giá bất thường.
Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch, lễ hội luôn đảm bảo công khai, minh bạch; giá hàng hóa, dịch vụ được niêm yết và bán theo giá niêm yết.
Đề cập đến nhiệm vụ chống buôn lậu và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán, ông Cao Xuân Luật khẳng định: Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào tất cả các lĩnh vực nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu trên địa bàn.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát với tất cả các mặt hàng, nhất là mặt hàng cấm như pháo nổ, đèn trời; đặc biệt đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng về thực phẩm, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và quản lý địa bàn, chống tăng giá đột biến và giữ ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là các ngành hải quan, công an, bộ đội biên phòng chỉ đạo lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng cấm, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khu vực biên giới.
Đồng thời, kiểm tra nguồn cung để bảo đảm sự lưu thông hàng hóa giữa nội địa, thành phố, thị xã với các vùng, miền, hạn chế thấp nhất hàng giả, hàng kém chất lượng bán ra thị trường.