Trước đó, chiều 31/1, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum đã phát hiện xe ô tô đông lạnh biển kiểm soát 29C-896.93 đang chở 4.644 kg nầm lợn (bẹ sữa) được đựng trong 153 bao tải và thùng giấy. Lái xe, chủ hàng Triệu Kim Luyện (31 tuổi, ở Phú Thọ) khai nhận số sản phẩm động vật này không có giấy tờ hợp lệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại đây, cảnh sát giao thông đã lập biên bản vụ việc và bàn giao cho Trạm Kiểm dịch động vật Măng Khênh để xử lý theo quy định.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum giải quyết vụ việc sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đến ngày 18/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có báo cáo đã giải quyết vụ việc.
Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, lấy mẫu đi xét nghiệm và phạt chủ phương tiện, chủ hàng 7 triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Hiếu cho biết: Đến ngày 11/2, khi có kết quả xét nghiệm mẫu từ Chi cục thú y vùng VI, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật cho phương tiện tiếp tục vận chuyển số nầm lợn trên.
Trước đó, ngày 27/1, xe ô tô biển kiểm soát 29C-896.93 trên đã chở hơn 5 tấn nầm lợn không nguồn gốc xuất xứ, đã bị lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh bắt và tiêu hủy vào ngày 30/1. Đến 31/1, xe trên lại chở 4.644 kg nầm lợn không nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ, lại bị bắt tiếp ở Kon Tum. Cùng một vụ việc nhưng cách xử lý của 2 tỉnh Kon Tum và Hà Tĩnh lại khác nhau hoàn toàn. Cách giải quyết của Kon Tum đã giúp hàng tấn nầm lợn không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ được “thông quan” đến người tiêu dùng.