Nhức nhối gian lận thương mại từ ắc quy nhập khẩu

Theo Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia, các đơn vị sản xuất ắc quy trong nước đang phải đối phó với sự cạnh tranh không công bằng từ ắc quy ngoại nhập.

Chú thích ảnh
Công chức Hải quan Vũng Tàu kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu. Ảnh minh họa: BCĐ 9 Quốc gia.

Thực trạng gian lận thương mại trong kinh doanh ắc quy nhập khẩu đã diễn ra từ lâu với các thủ đoạn như: Gian lận trong kê khai thuế nhập khẩu; gian lận trong bán hàng để trốn tránh nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp; không bảo đảm chất lượng và bảo hành sản phẩm; khai báo giá nhập thấp hơn nhiều so với giá thực nhập, khai giảm số lượng bình hoặc giảm dung lượng bình trong lô hàng. Khi giá trị lô hàng tính thuế giảm sẽ giúp cách doanh nghiệp nhập khẩu giảm tiền thuế nhập khẩu phải nộp. 

Theo một số doanh nghiệp sản xuất ắc quy trong nước, trước đây, khi mua hàng, các công ty nhập khẩu sẽ xuất hóa đơn cho khách hàng với giá trị thấp hơn 20 – 30% so với giá thực bán. Nhưng hiện, họ không xuất hóa đơn mà thay bằng bảng kê hàng hóa bán hàng, chỉ khi khách hàng có yêu cầu họ mới xuất hóa đơn với giá trị từ 40% đến 70% giá thực bán. Bằng cách này các hộ kinh doanh ắc quy vừa giảm số lượng hóa đơn phải xuất vừa giấu được doanh số bán hàng nên trốn được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (VAT) rất lớn, chưa kể hầu hết những hộ kinh doanh ắc quy thường theo hình thức thuế khoán nên lượng thuế TNDN phải đóng thường rất thấp.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu còn chọn cách ăn gian về chất lượng, nhờ đó giảm giá mua vào còn người tiêu dùng thì bị móc túi vì phải mua hàng với giá cao hơn so với giá trị thực của sản phẩm. Ví dụ: Mua bình ắc quy 12V-150Ah nhưng thực tế chỉ là bình 12V-135Ah. Một chiêu thức khác là giảm chất lượng bằng cách giảm hoạt tính trong ắc quy khiến cho chất lượng, tuổi thọ bình giảm thấp mà người tiêu dùng chỉ có thể phát hiện sau thời gian sử dụng.

Trong khi đó, khi bán hàng, những nhà sản xuất ắc quy trong nước luôn thực hiện chính sách bảo hành trên toàn quốc, nghĩa là người tiêu dùng mua hàng ở nơi này nhưng vẫn có thể bảo hành, đổi ắc quy mới khi có trục trặc ở bất cứ cửa hàng nào. Trái lại đối với bình ngoại nhập, khách mua hàng ở đâu buộc phải về chính cửa hàng đó để bảo hành nên người tiêu dùng gặp nhiều thiệt thòi.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà kinh doanh ắc quy tại Việt Nam đều phải có trách nhiệm thu gom, xử lý tái chế các sản phẩm ắc quy do mình sản xuất do người tiêu dùng thải bỏ để không gây hại cho môi trường. 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ắc quy trong nước kiến nghị: Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chất lượng ắc quy nhập khẩu để đảm bảo chất lượng thực của sản phẩm đúng với công bố trên bao bì, phù hợp các yêu cầu về an toàn, môi trường như đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.

Phía ngành hải quan cần đánh giá chính xác giá ắc quy nhập khẩu để áp giá tính thuế nhập khẩu, tránh tình trạng các nhà kinh doanh ắc quy nhập khẩu khai báo không chính xác giá nhập. Giá thành ắc quy để tính thuế có thể tham khảo giá của các nhà sản xuất ắc quy trong nước hoặc áp dụng mức đơn giá tính thuế theo trọng lượng hoặc dung lượng ắc quy như đang áp dụng ở các quốc gia khác.

Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc xuất hóa đơn của các doanh nghiệp kinh doanh ắc quy nhập khẩu; bảo đảm tuân thủ quy định khi bán hàng phải xuất hóa đơn VAT và trên hóa đơn phải thể hiện rõ chủng loại bình, nhãn hiệu, giá bán, không ghi ắc quy chung chung như hiện nay.

Minh Phương/Báo Tin tức
Kiểm soát doanh nghiệp, nhóm hàng có rủi ro cao nhằm chống thất thu thuế
Kiểm soát doanh nghiệp, nhóm hàng có rủi ro cao nhằm chống thất thu thuế

Ông Trần Vũ Minh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Từ nay tới cuối năm, hải quan sẽ tập trung kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp rủi ro cao, hoạt động xuất nhập khẩu phức tạp. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN