Hàng nhập lậu bị thu giữ tại Hải quan cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Bằng các biện pháp đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chống buôn lậu như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường... kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Điều này thể hiện qua việc các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động buôn lậu vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng. Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã có chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã về các vấn đề trên.
Xin ông cho biết đôi nét về công tác chống buôn lậu trong năm qua và đặc biệt giai đoạn gần Tết Nguyên đán có gì đáng chú ý? Theo đánh giá của chúng tôi, năm 2017 đã xuất hiện những thủ đoạn buôn lậu mới, liều lĩnh, táo tợn hơn trước. Các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng những điều kiện thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động thương mại, lợi dụng thời điểm giao thời trong công cuộc hiện đại hóa ngành hải quan, việc chuyển đổi các giải pháp kỹ thuật kết hợp với công tác quản lý truyền thông để có những hình thức, thủ đoạn mới.
Trước tình hình đó, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các ban ngành, ngành hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, quán triệt các đơn vị trong ngành nắm bắt thủ đoạn buôn lậu mới đồng thời áp dụng các biện pháp chuyên sâu để nắm tình hình, xác minh, điều tra và khởi tố nhiều vụ án buôn lậu. Ngành hải quan cũng phối hợp với các cơ quan khác như công an, quân đội, quản lý thị trường nhằm đẩy mạnh chống tội phạm lợi dụng lúc giao thời.
Kết quả, ngành hải quan đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ buôn lậu lớn. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm soát hải quan phát hiện 13.813 vụ việc, trị giá ước tính gần 722,5 tỷ đồng; thu nộp ngân sách trên 326,6 tỷ đồng; cơ quan khởi tố 44 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 48 vụ. Tổng số vụ buôn lậu bị khởi tố từ năm 2015 đến năm 2017 là 126 vụ, riêng Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố 46 vụ buôn lậu. Đây là kết quả thể hiện quyết tâm cao trong việc chống buôn lậu và xử lý tội phạm buôn lậu ở lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Năm 2017, thẩm lậu hàng hóa đã xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt là vụ 200 container hàng hóa mất tích ở cảng Tp. Hồ Chí Minh, ông đánh giá như thế nào về tình hình này? Các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh trung chuyển hàng hóa là những phương thức thương mại phổ biến trên thế giới. Các loại hình kinh doanh này không mới và Việt Nam tham gia công ước quốc tế, vì vậy chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thương mại này.
Trước đây, buôn lậu chủ yếu lợi dụng con đường xuất nhập khẩu. Hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu trước đây ít bị lợi dụng để buôn lậu nhưng thời gian gần đây các đối tượng buôn lậu gian lận thương mại triệt để tận dụng hình thức kinh doanh này để buôn lậu trên toàn Việt Nam, đặc biệt là tại các cảng lớn.
Điều này cho thấy, việc lợi dụng hình thức thương mại xuất nhập khẩu để buôn lậu ngày càng khó vì các thủ tục hải quan ngày càng chặt chẽ hơn. Chính vì thế, các đối tượng buôn lậu buộc phải lợi dụng các hình thức kinh doanh khác như hình thức tạm nhập tái xuất, quá cảnh, hay trung chuyển là những loại hình mà các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng được. Vụ việc 213 container ở Tp. Hồ Chí Minh mất tích thể hiện điều đó.
Ngành hải quan qua công tác quản lý từ cơ sở, chi cục, bằng các giải pháp nghiệp vụ đã phát hiện ra và đề xuất với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho phép tiến hành hàng loạt các nghiên cứu rộng và chuyên sâu đối với loại hình này.
Hiện nay, đã có hàng loạt kế hoạch rà soát tổng thể để phát hiện những khiếm khuyết trong quản lý cũng như những thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu gian lận thương mại để từ đó phát hiện, bắt giữ hàng loạt vi phạm này.
Vụ việc 213 container mất tích đã được hải quan phát hiện điều tra, xác minh, chủ động chuyển giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an. Qua đó đã phát hiện phương thức gian lận mới, một số doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật nhưng qua xác minh hầu hết là doanh nghiệp “ma”.
Các đối tượng gian lận thương mại đã lợi dụng những thông thoáng từ khâu thành lập doanh nghiệp, thuê mượn giấy tờ tùy thân để lập doanh nghiệp. Khi cơ quan điều tra đến xác minh thì đó chỉ là những doanh nghiệp trên giấy, không có hoạt động trong thực tế.
Hiện nay, ngành hải quan đang phối hợp với Bộ Công an điều tra các doanh nghiệp ma. Và khi thành lập doanh nghiệp còn dễ thì vẫn có những kẻ vẫn lợi dụng. Nhưng khó đến mấy thì trước mắt chúng tôi vẫn phải bịt kẽ hở, ngăn chặn ngay việc lợi dụng loại hình này. Chúng tôi cũng đã phát hiện một số công chức hải quan thiếu trách nhiệm, thực hiện quy trình nghiệp vụ không đúng đã nghiêm khắc xử lý, có trường hợp còn bị khởi tố, tạm giữ.
Một giải pháp căn cơ nhất để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại là kiến nghị sửa đổi toàn bộ quy trình, quy định về chế độ giám sát hải quan bằng cách nghiên cứu sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư /2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; toàn bộ về công tác kiểm tra giám soát, kiểm soát hải quan. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định 08 mới và Bộ Tài chính ban hành Thông tư mới khắc phục khiếm khuyết những giai đoạn giao thời để chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.
Mặt hàng nào sẽ tập trung cho chống buôn lậu gian lận thương mại cuối năm và Phòng Giám sát hải quan trực tuyến đang được vận hành như thế nào, thưa ông?