Theo biên bản làm việc tại Chợ nông sản Đà Lạt, chủ cửa hàng là Đoàn Thị Chè, quầy 19, Chợ nông sản Đà Lạt đang "sơ chế" củ khoai tây nhập khẩu Trung Quốc. Theo lời bà Đoàn Thị Chè, sau khi nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về quầy, bà đã sử dụng một máy rửa khoai tây xuất xứ Trung Quốc có lớp đất màu đen đi. Sau khi rửa sạch, khoai tây Trung Quốc được trộn với đất đỏ Đà Lạt lên bề mặt củ khoai.
Bà Đoàn Thị Chè cho rằng, việc “khoác áo” khoai tây Trung Quốc có lớp đất bề mặt là do yêu cầu của mối hàng (tại Thành phố Hồ Chí Minh) để dễ tiêu thụ hơn. Sau khi “hô biến”, khoai tây Trung Quốc có lớp đất mới bên ngoài sẽ được đóng vào bao bì theo yêu cầu của mối hàng.
Sau đó, các bao khoai tây sẽ được dán nhãn do Ban Quản lý chợ Đà Lạt ban hành. Số khoai tây Trung Quốc bà Chè mua của bà Trần Thị Thùy Trang, quầy 54, Chợ Nông sản Đà Lạt.
Tại buổi làm việc, sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi 1.000 kg khoai tây Trung Quốc đã được sơ chế phủ đất, một máy nổ, máy rửa và trộn đất cùng các giấy tờ liên quan.
Tình trạng gian lận thương mại đánh tráo thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã diễn ra nhiều năm, đến nay lại tiếp tục tái diễn. Trước thực trạng đánh tráo, năm 2015 UBND thành phố Đà Lạt đã yêu cầu các tiểu thương thực hiện quy định phải dán tem nhãn sản phẩm ghi rõ xuất xứ trên bao bì.
Theo đó, khoai tây Trung Quốc ghi xuất xứ từ Trung Quốc, khoai tây Đà Lạt ghi sản xuất tại Đà Lạt và các thông tin về chủ lô hàng, số quầy sạp. Bên cạnh đó, thành phố Đà Lạt lập tổ kiểm tra đột xuất các xe chở nông sản từ chợ này đi các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp lô hàng không gắn nhãn mác sẽ bị tịch thu và tiêu hủy; nếu bị phát hiện có hành vi nhuộm đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc sẽ bị xử lý, thu hồi mặt bằng kinh doanh.