Ai Cập, chợt nhớ, chợt mong...

LTS: Những ngày qua, hàng triệu lượt người dân Ai Cập đã đồng loạt xuống đường, lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Để giúp bạn đọc có thêm cái nhìn đầy đủ về tình trạng bất ổn ấy ở Ai Cập và các nước láng giềng, từ số báo này, Tin Tức khởi đăng loạt bài của tác giả Phạm Phú Phúc, người đã có nhiều năm làm báo ở thế giới Arập, phân tích nguyên nhân của những biến cố ấy cùng các hệ lụy.

Bài 1: Thư gửi Mohammed Ali

Đừng trách Ali nhé, suốt từ hôm 25/1 vừa rồi, như mọi năm, cả nước Ai Cập kỷ niệm Ngày truyền thống của Lực lượng cảnh sát, nhưng hôm ấy, cả triệu dân đùng đùng nổi dậy, đòi lật đổ tổng thống, thay đổi chế độ, mình đã tìm mọi cách liên hệ với bạn, để thăm hỏi, để nhắc lại những kỷ niệm của cả chục năm trời cùng hành nghề bên nhau, vì truyền thống ngàn năm của người Việt chúng tôi vẫn thế, không bao giờ bỏ rơi bạn bè trong hoạn nạn.

Kim Tự tháp của Ai Cập - kỳ quan duy nhất trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại còn lại đến đời nay. Ảnh: Internet

Tiếc rằng trong nhiều ngày liền sau đó, dường như tất cả mọi con đường đến hạ nguồn sông Nin, đến các Kim Tự tháp, nhất là viễn thông đều bị “cắt”, khiến bên ấy bỗng chốc trở thành “ốc đảo”, làm mình rất thấp thỏm lo âu cho bạn, cho miền đất mà cả thế giới này, ai ai cũng muốn đến, dù chỉ một lần trong đời để biết, để chiêm nghiệm và tự hào về cổ nhân...

Nhớ có lần Ali bảo, hình như Thánh Allah đã ban phát mọi báu vật của thượng cổ cho Ai Cập, và đã “dạy” cư dân nơi đây khởi thủy nhiều ngành nghề cho hậu thế, bởi họ là những người đầu tiên trồng lúa mạch vào năm 13.000 trước Công nguyên (TCN), rồi 10.000 năm sau, chính con cháu họ lại là những nhà thủ công, thương gia đầu tiên của nhân loại thời sơ khai ấy.


Và nữa, chính những con người bằng xương, bằng thịt nọ đã tạo ra một nền kiến trúc, hội họa, điều khắc, kỹ thuật ướp xác,… - mà theo đánh giá của các nhà khoa học đương đại, phải nhiều chục nghìn năm nữa, may ra thế hệ “a còng” mới theo kịp.


Nhờ vậy, người thời nay mới được chiêm ngưỡng những Kim Tự tháp, tượng Nhân sư, những bức họa trên giấy papyrus - “tổ sư” của các loại giấy, hay những xác ướp có từ mười mấy nghìn năm trước, nhưng nhìn cứ như mới chết tháng trước, năm kia.

Chắc Ali chưa quên hôm anh phải làm “nhà quay phim” bất đắc dĩ, giúp tôi thực hiện phóng sự truyền hình dưới chân Kim Tự tháp khi nhân loại bước sang Thiên niên kỷ thứ ba. Nhanh thật! Mới đấy mà đã 11 năm rồi, kéo theo biết bao đổi thay khắp đó đây, duy chỉ có những Kim Tự tháp nọ, và bức tượng Nhân sư kia là vẫn thế, để hôm ấy tôi cứ mải mê mô tả về kỳ quan duy nhất trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại còn lại đến đời nay.


Nơi ấy, hàng tỷ lượt người đã tới để chiêm ngưỡng, để nghiên cứu, nhưng chưa ai đưa ra được kết luận thuyết phục nhất về việc tại sao vào năm 2560 TCN kia, không hề có sự trợ giúp của khoa học - kỹ thuật hiện đại như ngày nay, người Ai Cập cổ đại lại có thể xây dựng được hàng loạt Kim Tự tháp ở Giza và vùng phụ cận như thế, trong đó lớn nhất là Kheops, với chiều cao 146,5 m, diện tích mặt đáy 53.000 m2, bằng những tảng đá mấy người ôm không xuể và những tính toán được coi là “đại siêu” về toán học, thiên văn học…, sao cho những tảng đá khổng lồ kia “treo” tít trên không trung (không hề có xi măng hay chất gắn kết nào), mà hơn 4.000 năm rồi vẫn không rơi, công trình vẫn không đổ.


Đâu chỉ có thế Ali nhỉ, cả Ai Cập “của chúng ta” rộng chừng 1 triệu km2, nhưng hơn 90% là sa mạc, chỗ nào chả là những điểm du lịch khảo cổ bậc nhất thế giới với bạt ngàn đền thờ, miếu mạo, tượng đài, tranh vẽ hàng nghìn năm tuổi nằm rải rác hai bờ đoạn chảy qua Ai Cập của dòng sông Nin dài gần 7.000 km, trước khi đổ ra Địa Trung Hải.


Chính dòng sông ấy là nhịp sống, là hơi thở của Ai Cập, nơi giới văn chương, trong đó có cố nhà văn Nauib Mahfouz đoạt Giải Nobel Văn học, được thả hồn theo dòng nước để cho ra những tác phẩm bất hủ. Con sông ấy là nơi duy nhất các vũ nữ địa phương thể hiện được những màn múa bụng đặc sắc nhất trên các du thuyền bồng bềnh trên sông, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Song, trên tất cả, chính dòng sông ấy đã sản sinh ra một trong các nền văn minh sớm nhất nhân loại, để muôn đời sau tự hào về nó, gọi nó là dòng sông Mẹ.

Vẫn nhớ Ali bảo dù có đọc cả trăm cuốn sách về Ai Cập, nhưng đến đấy mà chưa tới “Làng Pharaon”, nằm trên một đảo nhỏ ở sông Nin, nơi các nhà khảo cổ học dày công tái tạo cuộc sống của người Ai Cập cổ đại, thì khó mà hiểu nổi người xưa đã sống ra sao, một nắng hai sương thế nào để xây dựng nên những kiệt tác kiến trúc, văn hóa kia, và rộng ra là dựng nên đất nước Ai Cập bây giờ, nơi từng là vựa lúa ở Trung Đông, và có tới 4 chủ nhân của các giải thưởng Nobel.


Thời nay cũng thế, người Ai Cập đa phần vẫn lam lũ, chịu thương, chịu khó như xưa, đại đa số theo đạo Hồi dòng Sunny, nhiều người vẫn giữ lối sống nhu mì, cam chịu, may mà phần còn lại, nhất là giới trẻ đã biết chủ động tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dần hiểu ra rằng họ có thể thay đổi số phận, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, và trên hết, không cam chịu cảnh sống phụ thuộc vào cá nhân, gia tộc hay đảng phái nào.

Đâu chỉ có thế Ali nhỉ, với 80 triệu người, Ai Cập “của chúng ta” còn là quốc gia đông dân nhất trong đại gia đình 22 nước Arập, và đứng thứ hai ở châu Phi, từng có tiếng nói quan trọng bậc nhất trong gia đình ấy nhờ tiềm lực kinh tế, quốc phòng và vị trí địa chính trị không đâu có được, là điểm nối giữa các châu Á - Âu và Phi, lại còn có kênh đào Suez, nối biển Đỏ với Địa Trung Hải, là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất nhì trong vận tải biển quốc tế...

Vâng, đấy là Ai Cập của thời nay, còn trong sử sách cổ đại, nơi ấy là thế giới của các thần linh, với Ra-Atum (Nước) là vị thần đầu tiên, rồi tiếp đến Thần Shu (Không khí), Nut (Bầu trời), hay Get (Mặt đất),...


Sử sách ghi lại rất nhiều truyền thuyết xung quanh các vị thần và các vương triều Ai Cập, và rằng thế giới của người Ai Cập cổ đại đều xoay quanh các vị thần, các vương triều ấy cũng như những thần bí của sông Nin, của sa mạc, Mặt trời, Mặt trăng, tạo nên một đức tin không gì lay chuyển được đối với các thế lực vô hình, để rồi con người nơi ấy chỉ còn biết thần phục các Pharaon, sau này là Thánh Allah của đạo Hồi, coi đấy như những vị thần luôn hiện hữu khắp Ai Cập, thay mặt các vị thần khác, cai quản mảnh đất thánh này.

Thế đấy Ali nhỉ, Ai Cập bắt nguồn từ các vị thần với vô vàn những huyền bí, tạo nên những phong tục, tập quán và tính cách của các hậu duệ, và vì thế, ở đấy người ta hay lấy những truyền thuyết để lý giải cho mọi hiện tượng thiên nhiên, và cả những biến cố chính trị, lịch sử nữa.


Nhưng tại sao Ali nhỉ, nghe nói xưa kia, Thần Ra-Atum chỉ “nổi cáu” vào mùa hè, lấy nước sông Nin nhấn chìm tất cả để “tẩy uế trần gian”, còn năm nay, Ra-Atum lại bắt dòng sông ấy phải dậy sóng ngay trong những ngày đông giá lạnh, xô đổ một con người, một thể chế, mà đây đó người ta đã gọi là “Pharaon thời hiện đại”, đấy là Tổng thống Hosni Mubarak?...

Phạm Phú Phúc

Đón đọc bài 2: 30 năm và 18 ngày

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN