Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi không chỉ ở Vương quốc Anh mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới đến các phòng khám tư nhân để điều trị hiếm muộn và được gợi ý thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả và an toàn đối với những người hiếm muộn lớn tuổi hay không?
Theo hãng tin BBC, mới đây, cơ quan Giám sát Khả năng Sinh sản cảnh báo nhiều phụ nữ lớn tuổi đang được các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) "khai thác thương mại trên hy vọng”.
Chia sẻ với trang Daily Telegraph, bà Sally Cheshire - Chủ tịch Tổ chức phôi học và sinh sản người (HFEA) – cho biết một số phòng khám tư nhân đang áp dụng “tỷ lệ thành công có chọn lọc” cho những phụ nữ lớn tuổi hiếm muộn.
Theo nghiên cứu, thụ tinh nhân tạo ít có khả năng thành công khi áp dụng với phụ nữ lớn tuổi. Trong năm 2017, số phụ nữ trong độ tuổi 40 điều trị khả năng sinh sản đã tăng gấp đôi lên tới 10.835 so với năm 2004. Các số liệu mới được công bố trên báo Telegraph cho thấy trong số những người sử dụng trứng của chính mình, chỉ có 75 người phụ nữ độ tuổi từ 42 đến 43 thụ tinh thành công. Đối với những người trên 44 tuổi, tỷ lệ thành công chỉ là 1% trong giai đoạn 2004 - 2017.
Bà Cheshire kêu gọi các phòng khám tư nhân cần phải “trung thực và minh bạch” với các bệnh nhân đến khám về cơ hội thành công của họ khi thực hiện thụ tinh nhân tạo. Bà cho rằng các phòng khám không nên lợi dụng tình cảnh và niềm khát khao có con của bệnh nhân kiếm lời.
Thụ tinh nhân tạo thường không được khuyến nghị thực hiện với phụ nữ trên 42 tuổi vì tỷ lệ thành công rất thấp. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều phụ nữ lớn tuổi đến các phòng khám tư nhân quyết định thụ tinh nhân tạo.
Với lượng bệnh nhân ngày một nhiều, các phòng khám này cũng đã tự do điều chỉnh chi phí dịch vụ. Một số phòng khám tư nhân đã tính phí tới 20.000 bảng cho mỗi chu trình điều trị – gấp 4 lần so với phí thông thường trong bệnh viện. Vì vậy, bà Cheshire cũng kêu gọi cơ quan giám sát được trao quyền điều chỉnh giá.
Bà cho biết phí điều trị thường được thổi phồng lên từ việc sử dụng “dụ” khách hàng “điều trị bổ sung” như chuyển phôi hay làm xước niêm mạc tử cung, thường được các phòng khám tư nhân yêu cầu thực hiện nhằm làm tăng cơ hội thành công của IVF.
Tuy nhiên, đầu năm 2019, các cơ quan giám sát điều chỉnh các dịch vụ sinh sản ở Anh cảnh báo rằng những phương pháp điều trị bổ sung này được đưa ra mà không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy chúng có thể làm tăng cơ hội thụ thai. Các trang website của các phòng khám tư nhân đưa ra những đánh giá về hiệu quả của các phương pháp điều trị cũng không có đánh giá nào cho thấy quy trình này có hiệu quả và an toàn.
IVF là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn, trong đó trứng được lấy từ buồng trứng của phụ nữ và thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Trứng được thụ tinh sau đó được đưa trở lại tử cung của người phụ nữ để tiếp tục phát triển.
IVF được tiến hành lần đầu vào ngày 10/11/1977. Ngày 25/7/1978, đứa bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới tên là Louise Brown đã được sinh ra.
Trung bình thụ tinh trong ống nghiệm gặp khoảng 70% thất bại, tỷ lệ thành công cao nhất hầu hết chỉ được ghi nhận với những phụ nữ dưới 35 tuổi.