Cấm quảng cáo thương hiệu
Trong một bài xã luận đăng trên tạp chí y học The Lancet, WHO cho biết bao thuốc lá trơn là một bước đi lớn tiến tới giảm sử dụng thuốc lá và các nguy cơ sức khỏe liên quan. Australia là quốc gia đầu tiên thông qua luật về bao thuốc lá trơn năm 2012. Mới hai tuần trước, Anh và Pháp đã thực thi luật tương tự. Ireland sẽ là quốc gia nối gót không lâu sau đó. Một loạt quốc gia khác cũng đang cân nhắc biện pháp này.
Sử dụng bao thuốc lá trơn là một biện pháp kiểm soát thuốc lá đã được chứng minh có tác dụng. Theo đó, các công ty thuốc lá bị hạn chế hoặc bị cấm dùng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hay thông tin khuyến mại trên vỏ bao. Họ chỉ có thể tin tên nhãn hiệu, tên sản phẩm theo một phông chữ và màu sắc được phép sử dụng.
Sản phẩm của Marlboro tại Australia trước (trái) và sau khi có quy định về vỏ bao thuốc lá trơn. |
Lý giải về tầm quan trọng của bao thuốc lá trơn trong cuộc chiến chống thuốc lá, phó giáo sư David Hammond thuộc Đại học Waterloo (Canada) giải thích: “Thương hiệu, logo in trên bao thuốc lá rất hấp dẫn giới trẻ. Hãy lấy ví dụ về người đàn ông Marlboro, một người cưỡi ngựa bụi bặm từng hay được nhìn thấy trong các chiến dịch quảng cáo thuốc lá. Đó là một trong những hình ảnh và thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Người ta gắn những hình ảnh này với hình ảnh tích cực về việc hút thuốc, kiểu như quyến rũ hay nam tính”.
Còn bao thuốc lá trơn đơn điệu như loại đã được sử dụng ở Australia chỉ có một kích thước chuẩn. Không có các bao thuốc cỡ nhỏ, dài như loại “siêu gầy” hay loại bao “son môi” vốn nhằm vào phụ nữ trẻ. Bao thuốc lá chỉ là một màu trung tính: Xám xịt hoặc nâu oliu, phông chữ đơn giản. Do phải tuân theo tiêu chuẩn đó nên các bao thuốc lá không thể trở thành “bảng quảng cáo mini” khuyến khích thuốc lá. Tuy nhiên, những hình ảnh cảnh báo về nguy cơ sức khỏe vẫn phải giữ nguyên.
Quy định về bao thuốc lá trơn trở thành chủ đề chính trong Ngày Thế giới Không Khói thuốc năm 2016 trong bối cảnh hút thuốc lá giết chết gần 6 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Đẩy mạnh chống khói thuốc
Trong khi đó, các nước tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống nạn hút thuốc lá. Ở Canada, hút thuốc là căn nguyên hàng đầu gây ra các căn bệnh và ca tử vong vốn có thể ngăn chặn được. Canada có hơn 5 triệu người hút thuốc. Quốc gia này đã cấm quảng cáo sản phẩm thuốc lá và quy định về bao thuốc lá trơn chỉ là một biện pháp mở rộng trong bối cảnh các công ty sản xuất thuốc lá dùng bao thuốc để tiếp thị thương hiệu rầm rộ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố coi việc đưa ra luật quy định về bao thuốc lá trơn là ưu tiên hàng đầu.
Tại Campuchia, từ 23/7 năm nay, chính phủ sẽ bắt đầu phạt các công ty, nhà phân phối và nhà bán lẻ thuốc lá không in cảnh báo bằng hình ảnh lên bao thuốc lá. Mức phạt sẽ là khoảng 1.000 USD với công ty vi phạm, là 500 USD với nhà phân phối và bán sỉ. Cảnh báo hình ảnh cần phải chiếm 50% diện tích vỏ bao, lời cảnh báo bằng chữ chiếm thêm 5% diện tích nữa. Hiện vỏ bao thuốc lá ở Campuchia chỉ có 30% diện tích là cảnh báo bằng chữ. Tiến sĩ Mom Kong, Giám đốc Phong trào vì sức khỏe Campuchia nhấn mạnh: “Mọi người sẽ muốn bỏ thuốc khi nhìn thấy những cảnh báo. Cảnh báo cũng ngăn trẻ em nhiễm thói quen hút thuốc khi chúng thấy vỏ bao không hấp dẫn”.
Tại New Zealand, Bộ trưởng Tài chính Bill English thông báo sẽ tăng thuế với thuốc lá. Giá mỗi bao thuốc lá sẽ tăng từ 20 USD hiện nay lên khoảng 30 USD trong 4 năm tới sau khi tăng thuế 10%/năm. Chính phủ sẽ thu thêm 425 triệu tiền thuế thuốc lá trong 4 năm tới. Giới chức New Zealand coi việc tăng giá thuốc lá là công cụ mạnh mẽ nhất trong giảm hút thuốc vì ai cũng sẽ thấy xót tiền nếu hút nhiều.