Theo đó, bệnh viện Stanley tại Chennai, bang Tamil Nadu vốn đã tiến hành phẫu thuật tái tạo ngực miễn phí cho những bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư vú nay sẽ mở rộng sang miễn phí quy trình mổ chỉnh sửa ngực cho người nghèo.
Chi phí từ phẫu thuật ngực có thể là ánh nặng đối với người nghèo tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images |
Đài BBC (Anh) cho biết quy trình phẫu thuật tái tạo ngực có thể đạt mức chi phí lên tới 1.233 USD tại các bệnh viện tư nhân ở Ấn Độ.
Người đứng đầu khoa Thẩm mỹ tại bệnh viện Stanley ở Chennai, bác sĩ V Rama Devi khẳng định rằng sẽ có 3 loại phẫu thuật: tái tạo ngực cho bệnh nhân ung thư, nâng ngực hoặc thu nhỏ ngực.
Phẫu thuật tái tạo và thu nhỏ ngực sẽ được miễn phí hoàn toàn nhưng những phụ nữ muốn nâng ngực sẽ phải chấp nhận trả chi phí cho phần được cấy ghép.
Nguồn chi phí để trang trải cho các cuộc phẫu thuật ngực này được đài thọ bởi Sở Y tế Tamil Nadu và công ty bảo hiểm United India. Bệnh viện Stanley tại Chennai sẽ “lo liệu” mọi chi phí thuế của ca phẫu thuật.
Bác sĩ Ramadevi nhận xét về việc phẫu thuật thu nhỏ ngực: “Đó là lợi ích tâm lý. Nhiều cô gái có vòng 1 lớn thường không muốn ra ngoài. Do vậy quy trình phẫu thuật này không nên bị hạn chế đối với người nghèo”. Ngoài ra, nhiều phụ nữ muốn thu nhỏ ngực bởi kích thước vòng 1 lớn thường dẫn đến việc họ bị đau vai và lưng. Nam giới có nhu cầu cũng có thể được phẫu thuật thu nhỏ ngực.
Bộ trưởng Y tế bang Tamil Nadu, ông C Vijaya Bhaskar nhận định về việc phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí cho người nghèo: “Nếu chúng tôi không đề xuất chương trình này thì người nghèo có thể tìm đến những phương pháp không an toàn hoặc vay nhiều tiền để được phẫu thuật. Tại sao người nghèo lại không thể tiếp cận với phẫu thuật làm đẹp?”
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Bộ trưởng Y tế bang Tamil Nadu, ông C Vijaya Bhaskar kết luận: “Nếu một phụ nữ nghèo muốn xinh đẹp hơn, chúng tôi sẽ hỗ trợ cô ấy về tài chính”.
Kênh RT (Nga) cho biết phẫu thuật thẩm mỹ đang là một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ. Trong năm 2010 có hơn 390.000 ca phẫu thuật được tiến hành, đến năm 2016 con số đã tăng lên 420.000 ca.