“Trong khi chỉ vài năm trước, những người giàu sẵn sàng chi tiền cho các chiến lược và sản phẩm đầu tư chủ động, thì nay họ chỉ muốn đảm bảo hồ sơ đầu tư của mình cân bằng và được bảo toàn trước một loạt nhân tố rủi ro, có thể liên quan đến những dao động tiền tệ”, ông Stanislav Novikov, giám đốc điều hành của công ty môi giới chứng khoán BKS Ultima cho trang RBTH hay.
Evgeny Volkov, phụ trách mảng chứng khoán tại ngân hàng Rosevrobank (Nga) cũng đồng ý: “Đầu tư cho các tài sản ở nước ngoài, tranh thủ tỉ giá hối đoái có lợi, và mua các trái phiếu cao cấp đang được ưa chuộng. Ngày nay, mục tiêu then chốt của nhiều nhà đầu tư là duy trì đồng vốn mà họ sở hữu và tập trung cho các chiến lược bảo thủ”.
Tỉ phú Nga Mikhail Friedman năm ngoái mới mua công ty Holland&Barret của Anh. Ảnh: RIA Novosti |
Theo nghiên cứu gần đây của ngân hàng Julius Baer (Thuỵ Sĩ), trung bình các tỉ phú Nga tiếp tục đầu tư phần lớn vốn (chiếm 36%) vào kinh doanh cá nhân. Thời buổi khủng hoảng, kinh doanh trong các lĩnh vực như sản xuất thực phẩm, dược phẩm có thể đảm bảo dòng lợi nhuận ổn định.
Đây có thể là lý do tại sao người giàu số 7 tại Nga, Mikhail Fridman, năm ngoái đã ký hợp đồng mua tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng lớn nhất châu Âu. Ông Friedman chi 2,2 tỉ USD mua công ty Holland&Barret của Anh, vốn sở hữu hơn 1.150 cửa hàng tại 11 quốc gia.
Trong khi đó, nhiều tỉ phú Nga vẫn lựa chọn bơm tiền vào nền kinh tế nội địa Nga. Alexey Mordashov, một tỉ phú Nga khác được Forbes xếp hạng giàu thứ hai tại Nga – đang đầu tư 6 tỉ ruble (100 triệu USD) vào một khu nghỉ dưỡng ở vùng Altai. Ông chủ công ty thép và khai khoáng Severstal dự định sẽ xây một khu trượt tuyết và công viên nước, vốn được hỗ trợ bởi một chương trình của chính phủ nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương.
Tài sản siêu sang
Đầu tư vào bất động sản nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu, là một lựa chọn phổ biến trong giới triệu phú Nga. “Mua bất động sản vẫn phổ biến bởi đây là loại đầu tư bảo thủ”, ông Volkov giải thích. “Tây Ban Nha nằm trong số những quốc gia hấp dẫn nhất, bởi chỉ cần một khoản đầu tư 500.000 euro là có thể có được quyền cư trú”.
Bất động sản hạng sang ở Tây Ban Nha thu hút giới nhà giàu Nga. Ảnh: Getty Images |
Trên thực tế thì trong vài thập kỷ qua, các nhà đầu tư Nga đã ồ ạt đổ vào thị trường bất động sản cao cấp Tây Ban Nha. Theo tờ Deutsche Welle, số nhà đầu tư Nga tại Tây Ban Nha tăng trưởng với tốc độ từ 5-10% mỗi năm. Trước đây, người Nga chỉ đến đây vào dịp nghỉ lễ, còn nay thì họ mua doanh nghiệp và bất động sản hạng sang.
Những người siêu giàu Nga còn thích rót tiền cho nghệ thuật, xe hơi, rượu vang và thậm chí cả nhạc cụ. Những kiểu đầu tư “đam mê” này, đặc biệt là khi họ phát hiện ra vật phẩm quý hiểm, thường hứa hẹn một khoản hời đáng kể.
Năm 2016, tỉ phú vodka Nga Yuri Shefler đã thu lợi nhuận lớn sau khi bán siêu du thuyền của mình cho Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. Vị tỉ phú ban đầu chỉ kỳ vọng bán chiếc “Serene” với giá dưới 400 triệu USD, nhưng cuối cùng đã thu về tới 550 triệu USD.
Nhưng không may, tổn thất cũng là một phần rất lớn của cuộc chơi “đam mê”. Hồi tháng 3/2017, tỉ phú Nga Dmitry Rybolovlev, người sở hữu tài sản trị giá 9,5 tỉ USD, đã lỗ 150 triệu USD sau khi bán 4 tác phẩm nghệ thuật tại nhà đấu giá Christie’s.