Nói cách khác, người phụ nữ đó đang mặc một bộ burkini - trang phục bơi kín người dành cho phụ nữ được thiết kế để phù hợp với các giá trị Hồi giáo. Bộ burkini này từ mùa hè năm 2016 đã bị cấm ở 15 thành phố Pháp, trong đó có Cannes và Nice. Lệnh cấm gây tranh cãi ngay ở trong nước Pháp và khiến nước Pháp bị dư luận quốc tế chỉ trích.
Lệnh cấm gây tranh cãi
Vụ việc ở Nice nói trên không phải là duy nhất. Trước đó, một phụ nữ ở Cannes cũng bị phạt vì kín mít từ đầu đến chân khi ra bãi biển. Và khi lệnh cấm còn được thực thi thì chắc chắc sẽ có thêm phụ nữ bị phạt. Mức phạt cho người mặc burkini ra biển ở Pháp là 42 USD, được giới chức một số thành phố áp đặt sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở thành phố Nice hồi tháng 7 khiến 80 người chết.
Giới chức Pháp đang thúc đẩy lệnh cấm burkini, coi đây là một biện pháp bảo vệ thế tục ở Pháp, một nguyên lý cơ bản được đề ra trong hiến pháp của Pháp. Lệnh cấm cũng nhằm chống lại thứ mà người Pháp coi là “bản chất hiếu chiến” trong bộ trang phục của phụ nữ Hồi giáo.
Chưa bàn đến vấn đề tôn giáo, chỉ riêng việc buộc phụ nữ phải “thoát y” ở bãi biển đã là vi phạm tự do và quyền cơ bản của con người, tức là được phép mặc bất kỳ thứ gì họ muốn. Với lệnh cấm này, phụ nữ Hồi giáo cũng phải mặc những bộ bikini hoặc áo tắm phô bầy phần lớn da thịt nếu muốn tắm biển ở Pháp.
Lệnh cấm này hôm 26/8 vừa rồi đã bị tòa án hành chính cấp cao nhất ở Pháp đình chỉ với lý do vi phạm quyền tự do cơ bản của con người. Tuy nhiên, vẫn có thị trưởng trong số 15 thị trưởng cấm burkini khăng khăng áp dụng lệnh cấm tại thành phố của mình. Cựu Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy hôm 29/8 còn tuyên bố nếu trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2017, ông sẽ thay đổi hiến pháp để cấm bộ burkini. Nhiều quan chức Pháp cũng ủng hộ lệnh cấm.
Mặc dù giới chức Pháp lập luận rằng burkini thể hiện người Hồi giáo không có khả năng đồng hóa với các giá trị của Pháp, nhưng trong thực tế, bộ trang phục tắm này được thiết kế nhằm giúp phụ nữ Hồi giáo hòa nhập hơn với văn hóa phương Tây. Nhà thiết kế bộ burkini, cô Aheda Zanetti vốn là một người Australia gốc Liban nhận định: “Lệnh cấm của Pháp chỉ là sự thù ghét với người Hồi giáo. Tôi thiết kế burkini để trẻ em Hồi giáo không phải bỏ các giờ học bơi và các hoạt động thể thao. Tôi hi vọng thủ tướng Pháp và các thị trưởng thấy rằng họ cần tìm cách kết hợp hai cộng đồng, cách giải quyết vấn đề, thay vì làm tổn thương cộng đồng Hồi giáo, không cho họ đến bãi biển hay trừng phạt họ”.
Vấn đề của nước Pháp
Đây không phải là lần đầu tiên Pháp cấm trang phục Hồi giáo. Đây cũng không phải lần đầu tiên quan điểm của Pháp với người nhập cư Hồi giáo gây tranh cãi căng thẳng. Lệnh cấm burkini chỉ là lệnh cấm mới nhất trong một loạt chính sách hoặc đề xuất thể hiện sự phân biệt đối xử với người nhập cư Hồi giáo mà theo các nghiên cứu, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cựu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.
Nước Pháp phân biệt rạch ròi giữa nhà thờ và nhà nước hơn Mỹ hay các nước châu Âu khác. Pháp không chỉ tách biệt tôn giáo khỏi các chính sách mà còn cho rằng đặc điểm nhận dạng quốc gia không được dính dáng đến tôn giáo. Hiến pháp Pháp chính thức tuyên bố Pháp là một nước cộng hòa thế tục, nôm na là “trần tục”, tách biệt khỏi tôn giáo.
Lối tiếp cận với chủ nghĩa thế tục này từng tương đối dễ thực thi vì Pháp là một quốc gia thuần nhất Cơ đốc giáo. Nhưng nước Pháp ngày nay phức tạp hơn nhiều khi cả sắc tộc và tôn giáo đều đa dạng, khiến cho việc áp dụng chủ nghĩa thế tục nhiều lúc trở thành hành động phân biệt với cộng đồng người Hồi giáo và các tôn giáo thiểu số khác. Do đó, Pháp luôn tạo ra dư luận tranh cãi khi cấm các biểu tượng và trang phục tôn giáo (như thánh giá của người Thiên chúa giáo, mũ tròn của người Do Thái và khăn trùm đầu của người Hồi giáo) trong trường học công năm 2004 và cấm bịt mặt nơi công cộng năm 2011. Tranh cãi cũng là điều dễ hiểu vì luật cấm mọi biểu tượng tôn giáo dường như chủ yếu nhằm vào người Hồi giáo.
Ngoài vấn đề trang phục, cộng đồng Hồi giáo ở Pháp ngày càng bị phân biệt đối xử so với người Do Thái hay Cơ đốc giáo ở mọi lĩnh vực cuộc sống. Kể từ vụ xả súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo năm 2015, Pháp ngày càng dè chừng với người Hồi giáo và bạo lực nhằm vào người Hồi giáo cũng gia tăng. Những chính sách loại bỏ văn hóa Hồi giáo ra đời dựa trên tâm lý đó và càng khiến người Hồi giáo cảm thấy bị khai trừ ra khỏi xã hội Pháp.
Có một điều cần phải hiểu rằng Pháp có vấn đề về cực đoan hóa nhưng burkini và khăm trùm đầu không gây ra tình trạng đó. Giới chức Pháp không sai khi lo ngại về tình trạng cực đoan hóa vì những quốc gia nói tiếng Pháp là nơi mà nhiều người ra đi đầu quân cho khủng bố ở Iraq, Syria nhiều nhất. Nhưng cần phải hiểu rằng cái suy nghĩ cấm một loại trang phục nào đó của người Hồi giáo sẽ giúp ngăn chặn tình trạng này là sai lầm. Trong thực tế, theo các nhà nghiên cứu, cần phải khuyến khích văn hóa của người Hồi giáo mới mong giảm được tỷ lệ người Hồi giáo bị cực đoan hóa. Điều này là quan trọng vì Pháp có cộng đồng Hồi giáo đông nhất châu Âu (8% dân số).
Cấm burkini, Pháp đã vô tình rơi vào bẫy của khủng bố Nhà nước Hồi giáo, vốn luôn tuyên truyền rằng phương Tây gây chiến với người Hồi giáo. Cấm burkini, Pháp có thể sẽ đẩy thêm những người Hồi giáo dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan vào vòng tay IS - vốn luôn tuyên bố chào đón những ai bị xã hội phương Tây gạt ra ngoài lề.